Ông Lê Hồng Anh dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh cần tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển kinh tế biên giới, cửa khẩu, nhằm tăng cường hợp tác giao lưu thương mại với Campuchia và khu vực ASEAN.
Ông Lê Hồng Anh dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh ảnh 1Ông Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Đại hội sáng 14/10. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Ngày 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc trọng thể với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết, dân chủ; khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững."

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Dự Đại hội còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 349 đại biểu đại diện cho hơn 31.000 đảng viên trong tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Lê Hồng Anh thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, dân và quân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu chung của cả nước.

Ông Lê Hồng Anh cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh trong nhiệm kỳ qua cần tập trung khắc phục là còn một số chỉ tiêu về kinh tế, xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra, kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nông nghiệp phát triển chưa mạnh và vững chắc; thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; kinh tế cửa khẩu còn phát triển chậm, hoạt động hiệu quả thấp.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là chưa kết nối tốt với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sản xuất và đời sống của một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn khó khăn.

Ông Lê Hồng Anh gợi ý 6 vấn đề trọng tâm Đại hội Đảng bộ Tây Ninh lần thứ X cần nghiên cứu, thảo luận là tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển kinh tế biên giới, cửa khẩu, nhằm tăng cường hợp tác giao lưu thương mại với Campuchia và khu vực ASEAN; phát huy lợi thế hồ nước Dầu Tiếng, núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ... để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, dịch vụ du lịch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, các ngành có lợi thế cạnh tranh, nhất là ngành chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ.

Tỉnh chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế tri thức, kinh tế xanh; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả, hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chú trọng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, tạo sự kết nối với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tây Ninh cần gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, làm tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia; giữ vững và phát huy mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với nước bạn Campuchia, nhất là với các tỉnh giáp ranh để cùng phát triển.

Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, do bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trình bày nêu rõ 5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ..., đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Tổng sản phẩm bình quân hằng năm tăng 10,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.630 USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được một số kết quả nhất định; nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 86,78 triệu đồng/năm.

Các khu, cụm công nghiệp được rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đạt hiệu quả, tạo điều kiện ổn định sản xuất, đời sống của người dân được nâng lên. Hệ thống giáo dục trong tỉnh càng ngày càng phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,59%...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra đến ngày 16/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục