Ông Trịnh Văn Chiến tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa

Sau 4 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã bế mạc, trong đó ông Trịnh Văn Chiến tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Trịnh Văn Chiến tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020 Trịnh Văn Chiến phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội, sáng 25/9. (Ảnh: Duy Hưng/TTXVN)

Sau 4 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, ngày 25/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 71 ủy viên. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 18 ​ủy viên; ông Trịnh Văn Chiến tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020.

Đại hội bầu cũng đã bầu 31 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tại đại hội lần này, Đảng bộ Thanh Hóa đề ra phương hướng chung, đó là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững đồng thời củng cố quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Phát biểu tại Đại hội, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá cao nội dung thảo luận của các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các văn kiện của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội.

Các ý kiến thảo luận này cũng đã phân tích, làm rõ hơn những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, bổ sung và làm phong phú, sâu sắc thêm nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết của Đại hội đề ra các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm đạt 12%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600 USD trở lên; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 đạt 50% trở lên; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 70% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 2,5%/năm. Trong 5 năm giải quyết việc làm mới cho 330 nghìn người trở lên. Bình quân hàng năm kết nạp hơn 7.000 đảng viên mới, trên 45% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh.

Nghị quyết của Đại hội cũng đề ra 5 chương trình trọng tâm. Về chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Qua đó nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gấp 2,5 lần năm 2014.

Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong đó tỉnh tập trung nguồn lực phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành trung tâm đô thị-công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề để giải quyết việc làm, tăng nhanh thu nhập cho người nghèo.

Thanh Hóa phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm 5% trở lên, các huyện vùng núi cao giảm 6-7%.

Chương trình phát triển du lịch, Thanh Hóa đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao văn hóa, văn minh du lịch; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Thanh Hóa cũng đẩy mạnh chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề và hình thức đào tạo; phấn đấu đến năm 2020 trình độ nhân lực của tỉnh đạt khá so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã xác định 4 khâu đột phá gồm phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng quan trọng, có tính then chốt về giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thanh Hóa chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trong đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời tập trung xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu để Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước. Bên cạnh đó các tổ chức Đảng cũng nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục