Phản ứng của các nước sau khi Iran tuyên bố nâng mức làm giàu uranium

IAEA tuyên bố cơ quan đã biết thông báo mới của Iran liên quan đến mức làm giàu uranium và các thanh sát viên IAEA tại Iran sẽ báo cáo về trụ sở ngay khi xác nhận diễn biến xảy ra như thông báo.
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dư luận thế giới đã phản ứng sau khi Iran ngày 7/7 thông báo chính thức nâng mức làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nước này ký với các cường quốc năm 2015.

Một người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố cơ quan đã biết thông báo mới của Iran liên quan đến mức làm giàu uranium và các thanh sát viên IAEA tại Iran sẽ báo cáo về trụ sở ngay khi xác nhận diễn biến xảy ra như thông báo.

Trong khi đó, nghị sỹ Nga Konstantin Kosachev cho rằng đòi hỏi của Iran liên quan tới mục tiêu duy trì JCPOA là thỏa đáng, trong khi trách nhiệm duy trì thỏa thuận hạt nhân thuộc về phía Mỹ.

Đồng quan điểm, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov khẳng định Moskva hiểu lý do đằng sau các bước đi của Iran liên quan JCPOA, song kêu gọi Tehran kiềm chế hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Theo ông, quyết định của Iran tăng mức độ làm giàu uranium không gây bất ngờ, bởi Tehran đang hành xử một cách minh bạch.

[Iran tuyên bố tiếp tục cắt giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân]

Quan chức Nga nhấn mạnh có khả năng sẽ xác định được mức độ  làm giàu urani của Iran trong vòng vài ngày tới, đồng thời cho biết báo cáo của IAEA về mức độ làm giàu uranium của Tehran có thể được trình bày tại phiên họp đặc biệt của ban lãnh đạo cơ quan vào ngày 10/7 tới đây.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng thông báo của Iran về việc nâng mức làm giàu uranium là một động thái "nguy hiểm," đồng thời kêu gọi Pháp, Anh và Đức áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Iran.

Pháp cũng chỉ trích hành động của Iran là vi phạm các cam kết tại Vienna (Áo) hồi năm 2015 về chương trình hạt nhân. 

Trước đó, giới chức Iran tuyên bố nước này sẽ tiếp tục giảm cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, từ đó nâng mức làm giàu uranium lên 5% “nhằm sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện.”

Các quan chức cấp cao Iran nhấn mạnh Tehran sẽ duy trì việc giảm cam kết trong 60 ngày nếu các bên tham gia thỏa thuận không đưa ra các biện pháp bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cho hay ngày 7/7, nước này tăng mức làm giàu uranium vượt ngưỡng 3,67% - mức giới hạn cho phép của thỏa thuận hạt nhân.

Quyết định này do chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra, đúng một năm sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Cùng ngày 7/7, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố Mỹ vẫn có thể tham dự vòng đàm phán mới về hạt nhân mà nước Cộng hòa Hồi giáo này và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân dự kiến khởi động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quan chức này lưu ý điều này không đồng nghĩa với việc Washington là một phần trong các cuộc thương lượng giữa Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân.

Theo ông Araqchi, chính quyền Iran coi nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) không còn tồn tại và Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục