Phát hiện hóa thạch một cặp côn trùng đang giao phối

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra hóa thạch cổ đại từ 165 triệu năm trước của một cặp côn trùng đang trong tư thế giao hợp.
Phát hiện hóa thạch một cặp côn trùng đang giao phối ảnh 1Hóa thạch cổ đại của cặp sâu froghoppers. (Nguồn: huffingtonpost.com)

Kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Plos One của Mỹ số ra ngày 6/11 cho biết nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra hóa thạch cổ đại của một cặp côn trùng đang trong tư thế giao hợp.

Hóa thạch này vẫn còn nguyên vẹn trong 165 triệu năm qua, được phát hiện tại miền Đông bắc Trung Quốc.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Capital Normal (Trung Quốc) cho biết cặp sâu froghoppers (một loại côn trùng nhỏ thuộc họ ve sầu nhảy), đang "yêu nhau" thì bị gián đoạn do núi lửa phun trào.

Nhờ hóa thạch của cặp côn trùng này được bảo quản tốt, nên mọi người có thể thấy rõ vị trí giao hợp ở vùng bụng của chúng.

Trong 1 phát biểu, ông Dong Ren (thuộc Đại học Capital Normal) nói "Chúng tôi đã tìm thấy cặp côn trùng trong tư thế giao hợp rất hiếm gặp, qua đó mang tới dữ liệu quan trọng để có thể hiểu vị trí giao phối của chúng và định hướng cấu trúc cơ quan sinh dục của côn trùng trong kỷ Trung Jura."

Theo thống kê của các nhà khoa học, từ trước tới nay, hóa thạch côn trùng giao phối bị mắc kẹt trong trầm tích là khá hiếm, mới chỉ có 40 trường hợp được tìm thấy.

Đa số các hóa thạch này có niên đại khoảng 100 triệu năm về trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục