Phép thử đau đớn cho các mục tiêu tham vọng của Trung Quốc

Một số người lo ngại Bắc Kinh có thể hạn chế nguồn cung điện hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu hộ gia đình trong những tháng tới.
Phép thử đau đớn cho các mục tiêu tham vọng của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trang mạng nytimes.com/scmp.com đưa tin Văn phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) cho biết họ đang theo sát tình hình và bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng điện tại quốc gia này, cảnh báo nguy cơ chậm trễ trong vận tải hàng hóa và một số doanh nghiệp bày tỏ thái độ không hài lòng do ảnh hưởng thông tin liên lạc từ việc bị cắt điện.

Tình trạng thiếu điện trên diện rộng đã làm ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp trên khắp Trung Quốc trong tháng qua.

Một số người thậm chí còn lo ngại Bắc Kinh có thể hạn chế nguồn cung điện hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu hộ gia đình trong những tháng tới.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến, Chủ tịch EUCCC Joerg Wuttke cho biết gián đoạn chuỗi cung ứng cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa và gia tăng giá cả tiêu dùng.

[Liệu kỷ nguyên suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã tới?]

Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc đã gây thêm khó khăn cho các nhà xuất khẩu, những người vốn đang phải vật lộn với chi phí vận chuyển hàng hóa cao, tắc nghẽn và chi phí nguyên liệu thô leo thang. Một số nhà sản xuất hàng hóa giá trị thấp quy mô nhỏ đã bắt đầu phải cắt giảm sản lượng.

Ông Wuttke cảnh báo tình trạng này sẽ “trở nên tồi tệ hơn” và có thể kéo dài tới tận giữa tháng Ba, khi giai đoạn sử dụng điện cao điểm tại Trung Quốc thường mới kết thúc.

Kể từ tháng 8/2021, ít nhất 20 trong số 31 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng quy chế phân bổ để cung cấp điện ổn định, vấn đề bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu than đá và những hạn chế tiêu thụ năng lượng nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải.

Các thành viên EUCCC đã chỉ trích cách tiếp cận quá tham vọng “muốn tất cả cùng lúc” của Trung Quốc trước mục tiêu giảm phát thải, cũng như xử lý yếu kém của chính quyền địa phương.

Thực tế việc lệ thuộc vào lượng than có thể khai thác và sử dụng điện, cuộc khủng hoảng nguồn cung điện của Trung Quốc đang đặt ra câu hỏi rằng liệu Bắc Kinh có thể mang lại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà người dân mong đợi trong những tháng tới hay không.

Cuộc khủng hoảng cũng bộc lộ một trong những điểm yếu chiến lược của Trung Quốc: một quốc gia với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn.

Trung Quốc cũng đã nổi lên là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới với biên độ rộng, do phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, ximăng và hóa chất để tăng trưởng.

Thực tế, các biện pháp kiểm soát giá điện trong nhiều năm của chính phủ cũng khiến các ngành công nghiệp và hầu hết các hộ gia đình chẳng mặn mà với việc cải thiện thói quen tiêu thụ điện.

Để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng điện năng, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ngày 12/10 đã công bố kế hoạch tự do hóa giá điện và bãi bỏ cơ chế mua điện vốn để kiềm chế mặt bằng giá cho những khách hàng lớn, cụ thể là cho phép các doanh nghiệp dịch vụ công cộng tăng giá đối với người sử dụng công nghiệp và thương mại lên đến 20% để họ có thể mua nhiều than hơn.

Các nhà hoạch định chính sách cho biết toàn bộ điện từ nhiệt điện than đều sẽ được bán qua thị trường, thay vì chỉ  70% như trước đây. Bắc Kinh hy vọng những cải cách sẽ giảm bớt khó khăn cho các công ty nhiệt điện than và thúc đẩy nguồn cung.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã có những phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng, đồng thời nói rằng cắt giảm điện không phải là cách duy nhất để đạt được các mục tiêu phát thải khí carbon.

Trên thực tế, Trung Quốc đã ngừng các khoản đầu tư mới vào than từ năm 2016 do lo ngại về tính bền vững. Các quan chức chống tham nhũng đã mở các cuộc điều tra tập trung vào một số mỏ than quan trọng ở khu vực Nội Mông, và không khuyến khích đầu tư thêm.

Cuối mùa Hè, nhiều mỏ than đã phải đóng cửa để đánh giá an toàn. Lũ lụt tại tỉnh Sơn Tây, trung tâm khai thác than lớn nhất của Trung Quốc, cũng đã khiến ít nhất 1/10 các mỏ than phải đóng cửa.

Thêm vào đó, do nhu cầu tăng sau đại dịch, giá than tăng vọt khiến các nhà máy điện gánh chịu thua lỗ và chỉ vận hành công suất khoảng 3/5.

Các quan chức Trung Quốc hy vọng sẽ thay thế nhiều nhiệt điện than bằng năng lượng Mặt Trời.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng có thể tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể bởi nguồn cung điện eo hẹp càng làm tăng chi phí sản xuất các tấm pin Mặt Trời.

Quy trình sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc đòi hỏi lượng điện rất lớn, phần lớn là từ than đá.

Ocean Yuan - Chủ tịch của Grape Solar, một nhà phân phối tấm pin Mặt Ttrời ở Eugene, Ore - cho biết Polysilicon, nguyên liệu chính cho các tấm pin Mặt Trời, đã tăng giá hơn gấp 3 lần trong thời gian gần đây, đặc biệt là vài tuần qua.

Trung Quốc phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Nước này sử dụng than nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại và là nước tiêu thụ dầu số 2 sau Mỹ.

Thực tế là Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng việc sử dụng khí đốt tự nhiên cũng như các tấm pin năng lượng Mặt Trời, tuabin gió và đập thủy điện. Tuy nhiên, họ vẫn không có đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu.

Theo New York Times, nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt có thể buộc Trung Quốc phải tái thiết nền kinh tế, cũng giống việc giá dầu cao của những năm 1970 buộc các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu phải thay đổi.

Những quốc gia này đã phát triển những ôtô “thân thiện” hơn, sử dụng các loại nhiên liệu khác, khám phá các nguồn cung mới dồi dào và chuyển sản xuất ra nước ngoài, phần lớn là sang Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này sẽ kéo dài, đau đớn và tốn kém.

Brian Motherway, trưởng nhóm nghiên cứu về hiệu quả năng lượng tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế Paris, cho biết Trung Quốc có nhiều thành quả về sử dụng năng lượng hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong 2 thập kỷ qua, song việc bắt đầu thế kỷ với một khu vực công nghiệp kém hiệu quả đã khiến họ cho đến nay vẫn chưa bắt kịp phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục