QLTT: Sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Quản lý thị trường cần phối hợp tốt với các lực lượng chức năng đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng...
QLTT: Sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết năm 2022, dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì vậy để góp phần bình ổn thị trường, lực lượng này sẽ tập trung vào các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế-xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 21/1, ông Linh cho hay ngoài các mặt hàng thiết yếu, lực lượng quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, rượu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng... cũng như kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung trọng tâm sẽ được ngành triển khai là công tác làm trong sạch cán bộ.

"Tổng cục sẽ tập trung tổ chức thực hiện đề án luân chuyển, điều động cán bộ trong toàn lực lượng, báo cáo Bộ Công Thương triển khai thí điểm đề bạt, bổ nhiệm người đứng đầu Cục Quản lý thị trường không phải là người ở địa phương đối với một số địa bàn, nhất là những địa bàn quan trọng," ông Trần Hữu Linh nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương và đánh giá cao các kết quả đã đạt được của lực lượng quản lý thị trường trong năm qua đồng thời nhấn mạnh những chiến công của lực lượng quản lý thị trường đã góp phần bảo đảm các hoạt động thương mại diễn ra bình thường, ngay cả trong bối cảnh giãn cách do đại dịch. Đây cũng là lực lượng đóng góp vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử bước đầu khá lành mạnh, hiệu quả.

Bộ trưởng nhấn mạnh trước bối cảnh năm 2022 và những năm tới sẽ có nhiều hiệp định thương mại tự do đi vào thực thi nên các hoạt động thương mại, giao thương sẽ diễn ra ngày càng sôi động, phức tạp. Chính vì vậy, tình trạng buôn lậu hàng giả, kém chất lượng sẽ tinh vi hơn, thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, lực lượng quản lý thị trường phải tham mưu để có quy định, chế tài xử lý khi có tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần phối hợp tốt với các lực lượng chức năng để đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra niêm yết giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong thời gian lễ, tết, dịch bệnh…

Song song đó, ngành cần kiện toàn, sắp xếp các cục quản lý thị trường địa phương; chú trọng giáo dục về đạo đức và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động của cán bộ./.

Năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong cao điểm dịch bệnh.

Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin qua việc 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao; 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia… Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS đã làm thay đổi trong kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính.

 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục