Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị đánh giá thực trạng, nguyên nhân của công tác quản lý nhập khẩu phế liệu hiện nay.
Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu ảnh 1(Ảnh minh họa: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị đánh giá thực trạng, nguyên nhân của công tác quản lý nhập khẩu phế liệu hiện nay.

Qua đó rà soát, sửa đổi danh mục nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả tình trạng rác thải “đội lốt” phế thải tuồn vào Việt Nam.

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Giao Thông vận tải, Tổng cục Hải quan và các Hiệp hội doanh nghiệp sử dụng phế liệu nhập khẩu.

Khẩn trương xử lý các container phế liệu tồn đọng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, tình hình phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến những tháng đầu năm 2018 và dự kiến nhu cầu tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Hiện việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng biển; làm chậm lưu thông hàng hóa; giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Vì vậy, cần phải có ngay các giải pháp quản lý nhà nước về nhập khẩu phế liệu trước mắt và lâu dài.

Qua công tác kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh, một số cảng khác như cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép cũng có tồn đọng phế liệu nhưng không nhiều.

Tính đến ngày 26/6, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các Cảng do Tổng Công ty quản lý là 4.480 container.

Trong đó riêng tại Cảng Cát Lái 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam, trong đó ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.

Tại các cảng của thành phố Hải Phòng tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.

Về giải pháp trước mắt xử lý các container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển hiện nay, các đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan môi trường, thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu khẩn trương đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng.

Triển khai thông quan nhanh đối với các doanh nghiệp đã có Giấy xác nhận và sẽ tiến hành hậu kiểm tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát, rút ngắn thời gian cấp Giấy xác nhận đối với các cơ sở sản xuất đã đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Đồng thời thực hiện giám định lại lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định, đảm bảo không phát sinh thủ tục hành chính, không kéo dài thời gian và chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp.

Ngoài việc khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày, đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 theo hướng rút ngắn thời gian xử lý hàng hóa tồn đọng, thuộc địa bàn hoạt động Hải quan.

Kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm quy định; đơn giản hóa các thủ tục và sớm giao cho các cơ sở có chức năng xử lý chất thải, thực hiện tiêu hủy các lô hàng phế liệu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

[Yêu cầu nghiêm khắc xử lý khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu]

Thắt chặt, loại bỏ những phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm

Đề cập về giải pháp lâu dài quản lý nhập khẩu phế liệu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phải tiến hành rà soát, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phế liệu nhập khẩu theo hướng đồng bộ giữa các yêu cầu bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại, Luật Hải quan và Luật Hàng hải.

Đặc biệt là tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa, ngoài biên giới đối với hoạt động thương mại nhập khẩu phế liệu.

Rà soát, sửa các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu theo hướng chặt chẽ, đảm bảo phế liệu nhập khẩu là phế liệu sạch.

Kiểm soát nghiêm ngặt việc lợi dụng tạm nhập, tái xuất và trung chuyển phế liệu vào Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ), theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường, hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung. Cụ thể là loại bỏ hoàn toàn 7 loại phế liệu; xin ý kiến loại bỏ tiếp 5 phế liệu khác ra khỏi Danh mục của Quyết định 73/2014.

Đồng tình với những giải pháp siết chặt công tác quản lý nhập khẩu phế liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan đề xuất, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp sử dụng phế liệu nhập khẩu đều cho rằng, những giải pháp này sẽ giải quyết được những vướng mắc, hạn chế phát sinh trong quản lý nhập khẩu phế liệu hiện nay; không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Bên cạnh đó còn giúp các doanh nghiệp ý thức hơn nữa trong việc sử dụng phế liệu sạch không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ, việc cấm nhập phế liệu không đạt quy chuẩn, hoặc trong nước đã có hay không có nhu cầu là đúng đắn.

Tuy vậy, ngành thép Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh, nhu cầu về quặng, than mỡ, phế liệu thép hiện trong nước vẫn chưa đáp ứng được, nên vẫn rất cần các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho phép nhập khẩu.

Về nhập khẩu phế liệu giấy, đại diện Hiệp hội Giấy cho biết, Việt Nam hiện mới có 2 nhà máy sản xuất bột giấy, trong khi sản lượng của ngành giấy bình quân đạt tới 3 triệu 600 nghìn tấn giấy, chủ yếu là sản xuất bao bì.

Hiệp hội kiến nghị việc nhập khẩu phê liệu giấy ngoài việc phải đảm bảo là nguyên liệu sạch, cần cấp phép nhập khẩu phế liệu giấy theo nguyên tắc “nhu cầu sản xuất đến đâu thì được phép nhậu khẩu đến đó”; có thể được hợp đồng ủy thác cho đơn vị nhập khẩu, song với điều kiện cũng là doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị, với nhu cầu khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu nhựa mỗi năm, trong khi trong nước chỉ đáp ứng được 20%.

Do đó các doanh nghiệp sản xuất nhựa vẫn cần nhập khẩu phế thải nhựa để sản xuất. Nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường, thời gian tới Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành nhựa sẽ thành lập khu công nghiệp thu gom, tái chế nhựa với công nghệ hiện đại.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ là nguy cơ nhập khẩu tràn lan chất thải vào Việt Nam, tác động rất xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành chức năng và các Hiệp hội doanh nghiệp sử dụng phế liệu nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung vào nội dung đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh một số nội dung cụ thể trong Quyết định 73/2014, theo hướng thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Loại bỏ những loại phế liệu không được được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và đã có nguồn cung cấp trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục