Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020

Mục tiêu của quy hoạch nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Hải/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao. Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn. Đồng thời, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế.

Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng phải đảm bảo liên kết được với mạng đường bộ hiện có, bảo đảm môi trường và cảnh quan; góp phần giải quyết ách tắc giao thông, trước hết tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tuyến đường cao tốc trong Quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn, nhưng phải tiến hành quản lý quỹ đất để hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 của đất nước, định hướng phát triển kinh tế của 4 vùng kinh tế trọng điểm, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km.

Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc-Nam được quy hoạch 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 1.368km. Trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn, dài 143 km; tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, dài 105 km; tuyến cao tốc Hà Nội-Việt Trì (Phú Thọ)-Lào Cai, dài 264 km; tuyến cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long (Quảng Ninh), dài 176 km; tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) - Móng Cái (Quảng Ninh), dài 128 km; tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh, dài 160 km; tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài 144 km...

Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 264 km. Cụ thể, tuyến cao tốc Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) - Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km; tuyến cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km; tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983 km. Cụ thể, tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 200 km; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang) - Bạc Liêu, dài 225 km; tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dài 150 km.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục