Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định GCC vẫn vững vàng khi giá dầu giảm

Nền kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn sẽ đứng vững, bất chấp việc giá dầu thô đã giảm xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định GCC vẫn vững vàng khi giá dầu giảm ảnh 1Nhà máy khai thác dầu mỏ ở UAE. (Nguồn: ruwais.ae)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn sẽ đứng vững, bất chấp việc giá dầu thô đã giảm xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009, từ mức đỉnh trong tháng Sáu là 115 USD/thùng.

Có ý kiến cho rằng nếu thị trường năng lượng tiếp tục còn nhiều bất ổn trong năm tới, các quốc gia GCC, ngoại trừ Qatar, sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách do doanh thu từ xuất khẩu dầu thô sụt giảm. Trong đó, Bahrain và Oman là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngân hàng trung ương Qatar nhận định nguồn thu từ dầu thô chỉ chiếm 2% kinh tế Dubai nhưng Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Tuy nhiên, Harald Finger, phụ trách mảng nghiên cứu thuộc IMF về Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cho rằng nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu mỏ trong những năm qua đã giúp các nền kinh tế GCC tích lũy được nguồn dự trữ tài chính khổng lồ, từ đó có thể tránh khỏi suy thoái kinh tế nặng nề.

Theo Finger, nếu thị trường dầu mỏ không cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong thời gian tới thì UAE có thể sẽ phải sử dụng nguồn dự trữ tài chính này, bao gồm các quỹ thịnh vượng và các ngân hàng trung ương, để duy trì chi tiêu công.

Quỹ thịnh vượng Abu Dhabi được cho là có giá trị tài sản lên đến gần 800 tỷ USD, lớn gần gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của UAE, và có thể giúp nước này tránh khỏi thâm hụt ngân sách trong nhiều năm.

Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed al-Mansouri cũng nhận định dự trữ tài chính của đất nước đủ lớn để tránh khỏi việc cắt giảm chi tiêu công cho các dự án phát triển vào những năm sắp tới.

Các quan chức kinh tế cấp cao của hai tiểu vương quốc lớn nhất của UAE là Abu Dhabi và Dubai vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của họ sẽ lần lượt là 5,5% và 4,5% trong giai đoạn từ 2014-2018.

Cho đến nay, các nhà đầu tư quốc tế có vẻ đồng quan điểm với IMF. Bằng chứng là lợi tức trái phiếu tại Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Qatar đã không tăng quá mạnh, cho thấy hệ thống tài chính của những nước này vẫn chưa đến mức đáng “báo động."

Tuy nhiên, các sàn chứng khoán của GCC lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đánh mất đến 49 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong ngày 16/12. Sàn chứng khoán Saudi Arabia và Qatar lần lượt giảm 7,3% và 3,5%. Sàn Dubai cũng giảm 7,3%, nâng mức giảm trong tháng lên 28%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục