Ra mắt sách ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979

Lần đầu tiên những hình ảnh về cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 được công bố trong cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia-nhà báo Trần Mạnh Thường.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường kể lại thời điểm khi ông chụp những bức ảnh về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường kể lại thời điểm khi ông chụp những bức ảnh về cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam những mong có một cuộc sống yên ổn trong hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng, một lần nữa, tiếng súng lại nổ lên dọc biên giới Việt-Trung từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979.

Nhà báo Trần Mạnh Thường là phóng viên ảnh duy nhất có mặt tại Cao Bằng sáng ngày 17/2 và ông đã ghi lại hàng trăm bức ảnh khắc họa sự anh dũng của quân và dân ta.

Ra mắt sách ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 ảnh 1Bệnh viện Huyện Trùng Khánh bị đánh sập. (Ảnh: Trần Mạnh Thường)

Ngày 15/12, cuốn sách ảnh “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979” được giới thiệu tại Hà Nội, giúp công chúng có một cái nhìn tổng quan và chân thực về cuộc chiến này.

Cuốn sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản. Sách dày 120 trang, gồm 110 ảnh đen trắng.

[Ra mắt cuốn sách về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc]

Nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Mạnh Thường nay đã 82 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Ông kể lại chi tiết sự kiện năm 1979: “Sáng ngày 17/2, hàng đoàn xe tăng giặc nối đuôi nhau tràn vào thị trấn. Tôi được hai chiến sỹ công an đưa đi khắp các mặt trận: Từ Hòa An, qua thị xã Cao Bằng, theo đường số 4 đến mặt trận Thạch An, rồi băng rừng lội suối đến các mặt trận của dân quân tự vệ và bộ đội chủ lực địa phương tại các huyện. Tôi đã chụp được tất cả 8 cuộn phim....”

Ra mắt sách ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 ảnh 2Bức ảnh chụp cô bộ đội Bùi Thị Mùi bế cháu Hoàng Thị Hiền trong khi mẹ của Hiền đang bị thương nặng.

Trong trận chiến, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường tình cờ gặp một người phụ nữ bị thương nặng, đứa con gái khoảng 3 tuổi ngồi cạnh. May thay, có một chiếc xe vừa tới, một cô bộ đội chạy ra bế em bé lên và người đồng đội của cô kịp thời cứu được người mẹ. Ông giơ máy lên và chụp được bức ảnh cô bộ đội bế em bé. Ngay sau đó, súng nổ vang trời, mỗi người tản mát một nơi.

Nhiều năm sau, trong một sự kiện kết nối các nhân chứng lịch sử, ông mới được gặp lại và biết tên cô bộ đội năm xưa tên là Bùi Thị Mùi và em bé ngày đó tên là Hoàng Thị Hiền. Mẹ của chị Hiền mất đã nhiều năm mà bà Mùi thì không có con. Từ đó, chị Hiền đã nhận bà Mùi là mẹ. Đó là một câu chuyện đẹp về tình người trong chiến tranh.

Ra mắt sách ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 ảnh 3Bà Bùi Thị Mùi và chị Hoàng Thị Hiền trong ngày ra mắt cuốn sách. Sau chiến tranh, họ gặp lại nhau và chị Hiền đã nhận bà Mùi là mẹ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhận xét về cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ sự xúc động trước những bức ảnh, những gì tác giả đã tận mắt chứng kiến.

“Nhà báo Trần Mạnh Thường là một trong những nhân chứng của cuộc chiến tranh này. Mỗi ánh mắt, mỗi gương mặt của người dân Việt Nam, của những chiến sỹ Việt Nam hiện lên rất rõ ý chí bất diệt vì chủ quyền dân tộc,” ông nói.

Đồng tình với ý kiến của nhà thơ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng cuốn sách có giá trị để đời cho hậu thế, để thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục