Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điều chỉnh việc xét tuyển nguyện vọng 2 và 3 trong mùa tuyển sinh năm nay theo hướng tạo nhiều lợi thế cho thí sinh. Sự điều chỉnh này được cho là ảnh hưởng nhiều nhất đến các trường thuộc "nhóm dưới."
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, một trong những trường thường xuyên tuyển nguyện vọng 2 và 3.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, một trong những trường thường xuyên tuyển nguyện vọng 2 và 3.
- Thưa ông, ông nhận thấy cách điều chỉnh này của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào?
- Ông Trần Hữu Nghị: Điều chỉnh này của Bộ có ba điểm. Thứ nhất là việc các trường được phép liên tục cập nhập hồ sơ, lên danh sách thí sinh nộp về trường mình thay vì phải chờ tận đến hết thời hạn nhận mới thống kê. Thứ hai là các trường sẽ cập nhật những thông tin này liên tục trên trang điện tử của mình. Thứ ba là thí sinh có quyền rút hồ sơ đã nộp ở trường này để chuyển sang trường khác.
Về việc các trường được cập nhật hồ sơ, tôi nghĩ điều này rất nên làm. Trước đây các trường cứ thu về nhưng lại bỏ vào “hộp đen,” tới phút chót mới biết được mình đã có bao nhiêu thí sinh đăng ký nên thiếu sự chủ động. Bây giờ, tôi luôn biết đến ngày hôm nay mình đã nhận được bao nhiêu hồ sơ.
Việc công khai hóa thông tin được là rất tốt. Thí sinh, phụ huynh thấy tên mình, cũng yên tâm hơn là hồ sơ của mình đã đến nơi, cho dù chưa biết có đỗ hay không.
Cho thí sinh rút hồ sơ cũng tạo cho các em cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng của mình sang một trường hợp lý hơn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm bất ổn
- Đó là những điểm gì, thưa ông?
- Ông Trần Hữu Nghị: Nếu cho thí sinh được rút hồ sơ thì nay các em nộp vào trường tôi, nhưng mai các em thấy nhiều người nộp quá lại rút ra, nộp sang trường khác. Số hồ sơ đăng ký khi đó sẽ là con số không ổn định. Việc tuyển sinh vì thế không biết khi nào có thể kết thúc. Trường cũng không dám công khai điểm chuẩn là bao nhiêu vì trường không chắc chắn được
Việc công khai hồ sơ cũng có nhiều vấn đề tế nhị. Thời điểm công khai là khi nào? Nếu tôi nhận được nhiều hồ sơ, chẳng hạn có 200 chỉ tiêu nhưng nhận được 300 hồ sơ, thì khi công khai, có thể sẽ ảnh hưởng cả về về số lượng và chất lượng. Cụ thể, nếu để cả 300 em, tôi có thể lấy điểm chuẩn cao lên, chất lượng cao hơn, còn nếu công khai, các em thấy nguy cơ bị trượt, lại thi nhau rút, có khi tôi lại chỉ còn chưa đến 200 em, lại thiếu chỉ tiêu, điểm chuẩn giảm xuống.
Trường hợp khác, nếu trường tuyển 300 nhưng lại chỉ vài chục thí sinh đăng ký xét tuyển chẳng hạn, thì trường có công khai không? Công khai khi đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thí sinh thấy ít người nộp quá, sợ trường này đào tạo không chất lượng, lại chuyển sang trường khác. Tâm lý ấy là khó tránh khỏi. Ít thí sinh đăng ký như thế thì anh phải “nhặt bỏ bị” luôn.
Vì những lẽ trên, có phần nào đấy, sẽ làm cho một số tường trì hoãn, không giám công bố thông tin. Cũng khó ai thắc mắc được vì sao tôi chưa công bố vì hồ sơ nộp qua đường bưu điện, tôi sẽ bảo tôi chưa nhận được thì chưa đăng.
Nếu Bộ quy định thí sinh đến nộp hồ sơ ngày nào, trường ghi vào danh sách ngày ấy và khi thấy đủ số thí sinh cần tuyển, trường khóa danh sách lại, công khai ngay và không tiếp tục nhận hồ sơ nữa, những thí sinh không trúng tuyển có quyền rút hồ sơ, thì sẽ rất hay. Tôi sẵn sàng cho anh rút, vì tôi đã chốt rồi. Nhưng Bộ lại quy định là các trường không được chốt hồ sơ trước thời hạn.
- Như vậy, với sự điều chỉnh này, các trường lại ở thế thụ động, trong khi những năm trước phần thiệt này thuộc về thí sinh?
- Ông Trần Hữu Nghị: Trường ngoài công lập như chúng tôi không có các khoản thu từ nghiên cứu khoa học hay vốn Nhà nước mà hoàn toàn từ học phí của sinh viên. Vì thế, việc thu hút được thí sinh có ý nghĩa sống còn với sự tồn tại của trường. Trong khi đó, việc tuyển sinh lại khó khăn hơn. Trường công lập có lịch sử đào tạo lâu hơn, đội ngũ giảng viên tốt trong khi học phí lại rẻ hơn nên thí sinh đương nhiên sẽ chọn.
Chúng tôi cũng không đòi hỏi chất lượng đầu vào cao, chủ yếu là bằng sàn. Tôi nghĩ rằng với điểm sàn, Bộ cũng nên nới hơn một chút. Thực tế cho thấy, trình độ của thí sinh đạt 12 điểm với thí sinh đạt 12,5 điểm gần như không khác nhau. Chỉ giảm nửa điểm đã có thể giúp cho hàng trăm thí sinh có cơ hội vào đại học. Điều quan trọng là trong quá trình đào tạo tại trường đại học, hiệu quả học tập của sinh viên thế nào,quan trọng là chất lượng đầu ra.
Nếu đã có chủ trương xã hội hóa giáo dục, Bộ phải tạo điều kiện các trường ngoài công lập tuyển sinh.
- Tạo điều kiện cho các trường nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích người học. Dù có thể các trường sẽ thụ động hơn nhưng đứng về phía lợi ích người học thì sự thay đổi này sẽ có lợi hơn cho thí sinh, thưa ông?
- Ông Trần Hữu Nghị: Đúng là không có giải pháp toàn diện. Trong cách thay đổi phương án xét tuyển này, nếu các trường như nhau, không trường nào “thủ thế” cả và cùng công khai thì rõ ràng là rất có lợi cho thí sinh.
Xin cảm ơn ông!./.
Phạm Mai (Vietnam+)