Giám đốc điều hành (CEO) SK hynix, ông Lee Seok-hee ngày 22/11 cho biết rằng công ty sẽ “phản ứng cẩn trọng” trước khả năng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nâng cấp nhà máy tại Trung Quốc của họ.
Phát biểu trước các phóng viên bên lề một sự kiện thường niên, ông Lee Seok-hee cho hay công ty này đã sản xuất các chip DRAM thế hệ thứ tư tại Hàn Quốc từ tháng Bảy. Song vẫn còn một chặng đường dài trước khi SK hynix có thể áp dụng công nghệ tương tự tại nhà máy ở Trung Quốc.
Các chip được ông đề cập đến là mẫu 10 nm tiên tiến nhất được sản xuất bằng thiết bị in thạch bản cực tím (EUV) thuộc công ty ASML của Hà Lan.
CEO của SK hynix đưa ra lời trấn an trên trước những lo ngại rằng kế hoạch áp dụng công nghệ in thạch bản EUV cho nhà máy của họ ở Wuxi, Trung Quốc, có thể bị đình trệ. Lí do vì Chính phủ Mỹ lo ngại rằng việc đưa các thiết bị công nghệ cao như vậy đến Trung Quốc có thể củng cố năng lực quân sự và các ngành chiến lược khác của nước này.
Ông Lee Seok-hee khẳng định công ty sẽ giải quyết vấn đề một cách “khôn ngoan” trong khi đảm bảo hợp tác với các bên quan tâm.
Tuần trước, một phát ngôn viên của SK hynix cũng lặp lại quan điểm tương tự. Người này nói rằng mọi ngành đều bị ảnh hưởng bởi các vấn đề địa chính trị theo cách này hay cách khác, nhưng ngành chip đang được chú ý ngày càng nhiều trong giai đoạn gần đây.
[Những “điểm mù” trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước Mỹ-Trung]
Khi được hỏi liệu ông có mong nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc đối với thương vụ của SK hynix để mua lại mảng kinh doanh bộ nhớ NAND của Intel Corp hay không, ông cho biết công ty "đang tích cực hợp tác" với Chính phủ Trung Quốc song không giải thích thêm về vấn đề này.
Vào tháng 10/2020, nhà sản xuất chip nhớ số 2 của Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua mảng kinh doanh bộ nhớ NAND của Intel với giá 9 tỷ USD, bao gồm mảng kinh doanh ổ cứng thể rắn của công ty ở Mỹ và nhà máy chip cho bộ nhớ NAND ở Đại Liên, Trung Quốc.
Trong thương vụ này, SK hynix đã nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ và sáu quốc gia khác. Nhưng tới giờ phía Trung Quốc vẫn chưa “bật đèn xanh” cho SK hynix./.