Số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh vượt mức 8 triệu

Mặc dù có dấu hiệu dịch bệnh lây lan với tốc độ chậm hơn nhưng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ Latinh, khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, đã vượt ngưỡng 8 triệu ca vào ngày 10/9.
Số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh vượt mức 8 triệu ảnh 1Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở thành phố Andean, Arequipa, miền nam Peru. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ Latinh, khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, đã vượt ngưỡng 8 triệu ca vào ngày 10/9, mặc dù có dấu hiệu dịch bệnh lây lan với tốc độ chậm hơn ở một số nước trong khu vực này.

Theo số liệu thống kê của hãng Reuters, số ca nhiễm trung bình hằng ngày tại khu vực này đã giảm xuống 67.173 ca trong tuần từ ngày 2-9/9, so với 80.512 ca tuần trước đó.

Brazil vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh trong khu vực, với 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 128.000 ca tử vong.

[Tình hình dịch ngày 10/9: Số ca mắc COVID-19 vượt 28 triệu người]

Tuy nhiên, giới chức Brazil cho biết số ca nhiễm đã giảm trong những ngày gần đây. Cụ thể, ngày 10/9 nước này ghi nhận 40.557 ca nhiễm mới.

Số ca nhiễm trung bình cũng giảm nhẹ ở Peru, Colombia và Mexico. Đây là những nước có số ca nhiễm nhiều sau Brazil tại khu vực này.

Các nhà lãnh đạo các nước khu vực Mỹ Latinh đang tìm cách giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Riêng ngành du lịch của khu vực này ước tính thiệt hại khoảng 230 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng của việc đóng cửa biên giới và hoạt động du lịch trên toàn cầu giảm mạnh.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 11/9 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 15 ca nhiễm mới trong ngày 10/9, tất cả đều là ca nhập cảnh.

Số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh vượt mức 8 triệu ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Handan, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo NHC, các ca nhiễm nhập cảnh mới gồm 8 ca ở Thượng Hải, 4 ca ở tỉnh Quảng Đông, trong khi các tỉnh Liêu Ninh, Tứ Xuyên và Thiểm Tây, mỗi nơi ghi nhận 1 ca nhiễm.

Trong ngày 10/9, Trung Quốc đại lục không có ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy, tính đến hết ngày 10/9, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.168 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong, 80.377 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận 176 ca nhiễm mới - tăng nhẹ so với 156 ca trong ngày 9/9 và 155 ca ngày 10/9, nhưng là ngày thứ 9 liên tiếp số ca nhiễm mới dưới 200.

Các ca nhiễm mới gồm 161 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, thủ đô Seoul ghi nhận 61 ca, tỉnh Gyeonggi 47 ca, thành phố Daejeon 10 ca, Incheon 8 ca, tỉnh Nam Chungcheong 14 ca...

Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 350 ca trong tổng số 21.919 ca nhiễm. 17.616 bệnh nhân đã phục hồi.

Hàn Quốc hiện vẫn chưa quyết định có gia hạn biện pháp giãn cách cấp độ 2,5 hiện đang áp dụng ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận hay không.

Số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực Mỹ Latinh vượt mức 8 triệu ảnh 3Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Hwasun, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Sau giai đoạn 1 áp dụng cấp độ giãn cách trên trong 8 ngày, Hàn Quốc đã gia hạn thực hiện thêm một tuần - kể từ ngày 7/9 vừa qua. Theo đó, các nhà hàng và quán ăn nhỏ chỉ được mở cửa đến 21 giờ.

Các chuỗi càphê nhượng quyền thương mại, tiệm bánh và tiệm kem chỉ được phục vụ đồ ăn uống mang đi và giao hàng tại nhà.

Trên quy mô toàn quốc, Hàn Quốc cũng gia hạn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 thêm hai tuần, đến ngày 20/9 tới, theo đó, cấm các cuộc tụ tập trong nhà trên 50 người và các cuộc tụ tập ngoài trời trên 100 người.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ngày 10/9 cho biết nước này đã gia nhập hệ thống “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch COVID-19” (ACT-A). Đây là hệ thống do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) thiết lập nhằm phát triển và chia sẻ các phương pháp điều trị, vắcxin và dụng cụ phát hiện virus SARS-CoV-2.

Thông cáo của Bộ trên cho biết Hàn Quốc sẽ tham gia đầy đủ những nỗ lực của ACT-A và thực hiện phần việc của nước này để đẩy nhanh phát triển các phương pháp điều trị cũng như góp phần phân phối một cách công bằng bất cứ tiến bộ nào đạt được trong công tác ứng phó với đại dịch này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục