Số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Mexico và Panama tăng nhanh

Tình hình dịch COVID-19 tại khu vực Trung Mỹ đang tiếp tục diễn biến phức tạp khi cả Mexico và Panama đều ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao.
Số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Mexico và Panama tăng nhanh ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Panama City ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Y tế Panama cho biết trong ngày 11/4, nước này đã ghi nhận thêm 260 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), nâng tổng số ca bị mắc bệnh lên tới 3.234 ca và 79 ca tử vong.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 40 ca tử vong, nâng tổng số ca bị nhiễm virus này lên 4.219 người và số ca tử vong lên 273 người.

Theo cơ quan trên, 33% trên tổng số ca mắc bệnh cần được chăm sóc y tế, 18,2% cần được chăm sóc y tế tích cực và 9,1% đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện tại, 73,2% ca bệnh có độ tuổi từ 25 đến 59 tuổi và tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 tại Mexico là 6,5%. Bên cạnh số ca tử vong trong nước, 181 công dân nước này sinh sống tại Mỹ cũng đã tử vong do chủng virus trên.

Cũng tại Mexico, nhà chức trách nước này cho hay ngày 10/4, Mexico đã tiếp nhận 11 tấn trang thiết bị, vật tư y tế do Trung Quốc cung cấp để đối phó với dịch COVID-19.

[14 triệu người tại Khu vực Mỹ Latinh mất việc làm vì dịch COVID-19]

Theo Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, lô hàng trên bao gồm 1,9 triệu khẩu trang thường và 850.000 khẩu trang y tế, và theo dự kiến sẽ được phân phối vào cuối tuần tới. Đây là lô hàng thiết bị y tế thứ 2 do Trung Quốc cung cấp cho nước này.

Tại Argentina, theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, Tổng thống nước này Alberto Fernandez ngày 11/4 đã thông báo quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội bắt buộc tới ngày 26/4 tại tất cả các thành phố lớn trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thống Fernandez đánh giá biện pháp cách ly xã hội bắt buộc được áp dụng từ ngày 20/3 đã chặn được tốc độ lây lan của COVID-19, song đó mới chỉ là những kết quả ban đầu, con đường phía trước vẫn còn rất dài đòi hỏi sự nỗ lực và sự đoàn kết của cả bộ máy chính quyền và toàn xã hội.

Theo ông Fernandez, nếu so sánh những con số về các ca dương tính và tử vong tại Argentina với các nước châu Âu, Mỹ hay thậm chí là với các nước Mỹ Latinh như Brazil hay Chile, có thể thấy biện pháp giãn cách xã hội đang đem lại hiệu quả, song vẫn còn rất xa mới đạt tới mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh. Nhà lãnh đạo Argentina khẳng định biện pháp cách ly xã hội sẽ tiếp tục được áp dụng một cách nghiêm ngặt tại tất cả các thành phố lớn và chính phủ sẽ xem xét đề xuất của chính quyền một số địa phương về việc áp dụng biện pháp này một cách linh hoạt tại các khu vực nằm ngoài phạm vi các trung tâm đô thị lớn.

Chính phủ Peru ngày 11/4 cho hay trong tuần tới các cơ quan y tế nước này sẽ bắt đầu thực hiện 12.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày với kỳ vọng sẽ kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19.

Phát biểu trong một chuyến thăm thực tế tới bệnh viện San Isidro Labrador, nơi được dành riêng để điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại thủ đô Lima, Tổng thống Peru Martin Vizcarra thông báo chính phủ nước này sẽ nỗ lực xét nghiệm 12.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày, theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, để có thể kiểm soát được sự lây lan của virus corona chủng mới.

Peru là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh tuyên bố lệnh cách ly bắt buộc đối với toàn dân cũng như đóng cửa toàn bộ đường biên giới từ ngày 16/3 và kéo dài lệnh này tới ngày 26/4. Ngoài ra, chính quyền Lima cũng ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm trên cả nước và chỉ duy trì các hoạt động thiết yếu để đảm bảo cung cấp thực phẩm, thuốc men và năng lượng cho nhân dân.

Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông qua khoản tín dụng trị giá 119 triệu USD cho Honduras nhằm giúp quốc gia Trung Mỹ này đối phó với dịch COVID-19.

Theo thông cáo của WB, khoản tín dụng trên nằm trong chương trình tăng cường thể chế tài chính của Honduras trong việc quản lý rủi ro đối với thảm họa thiên nhiên hoặc các trường hợp khẩn cấp về y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục