Sống chung với COVID-19: Hàn Quốc áp dụng “thẻ vaccine”

Kế hoạch “Sống chung với COVID-19” được thúc đẩy sau khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở Hàn Quốc được đẩy mạnh trong vài tháng qua.
Sống chung với COVID-19: Hàn Quốc áp dụng “thẻ vaccine” ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Hàn Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Hàn Quốc đang từng bước loại bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt chống dịch bệnh COVID-19 để trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 11 tới trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc tiếp tục gia tăng.

Giai doạn mới "Sống chung với COVID-19" có nghĩa là COVID-19 sẽ được coi là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp thông thường, giống như bệnh cúm mùa và chính phủ sẽ giảm bớt các biện pháp giãn cách đang thực thi hiện nay.

Với lộ trình này, Hàn Quốc sẽ gia nhập danh sách các nước thực sự bước vào giai đoạn trở lại cuộc sống bình thường với virus SARS-CoV-2.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, kế hoạch “Sống chung với COVID-19” được thúc đẩy sau khi chiến dịch tiêm chủng quốc gia ở Hàn Quốc được đẩy mạnh trong vài tháng qua.

Tính đến ngày 18/10, 64,6% trong số 52 triệu người Hàn Quốc đã được tiêm đủ 2 mũi và 78,7% đã được tiêm mũi đầu tiên.

Các nhà hàng vẫn mở cửa đón khách, song theo quy định hiện hành, quán ăn chỉ phục vụ tối đa 4 khách/bàn nếu khách đã tiêm đủ 2 mũi.

Kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường mới đang được Hàn Quốc triển khai một cách thận trọng và chính phủ dự kiến áp dụng “Thẻ vaccine.”

[Tỷ lệ tiêm chủng cao có thể kiểm soát biến thể Delta tại Hàn Quốc]

Quy định này sẽ cho phép những người tiêm chủng đầy đủ được tiếp cận không hạn chế các dịch vụ, trước tiên là các sự kiện thể thao. Cũng bắt đầu từ ngày 18/10, các đội thể thao chuyên nghiệp ở Seoul và các thành phố lân cận được phép tiếp nhận cổ động viên ở mức tối đa 30% sức chứa của sân vận động.

Đối với các sự kiện thể thao trong nhà như bóng rổ và bóng chuyền, quy mô khán giả được giới hạn ở mức 20% sức chứa của cơ sở thi đấu.

Việc “Sống chung với COVID-19” được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài, ảnh hưởng tới tình trạng bất ổn tâm lý ở một bộ phận người dân, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại tài chính mà dịch bệnh gây ra cho các doanh nghiệp nhỏ và giới thương nhân. 

Cùng với các biện pháp nới lỏng trong nước, nhà chức trách Hàn Quốc tiếp tục siết chặt kiểm soát ở các sân bay và cảng biển để phát hiện kịp thời các ca mắc biến thể siêu lây nhiễm Delta.

Các quan chức y tế Hàn Quốc đã đề cập việc mở rộng điều trị tại nhà cho bệnh nhân COVID-19 vì tỷ lệ các trường hợp trở nặng và tử vong đã giảm đáng kể kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào tháng 2.

Theo kế hoạch, các phương pháp điều trị tại nhà sẽ được mở rộng cho những bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở độ tuổi dưới 70 tuổi.

Giải pháp này được cho là giúp giảm bớt gánh nặng cho cho các nhân viên y tế do đại dịch COVID-19 kéo dài.

Tuy nhiên, không giống một số nước châu Âu, Hàn Quốc cũng sẽ duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc cả trong nhà và ngoài trời ngay cả sau khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng vì cho rằng đây là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm.

Theo các chuyên gia, miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi hơn 85% dân số Hàn Quốc được tiêm đủ liều vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng quốc gia này nên chuẩn bị cho khả năng số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng trở lại.

Nhà chức trách Hàn Quốc trước đó từng dự báo số ca nhiễm mới hằng ngày có thể lên tới 5.000 ca vào tháng tới nếu đợt dịch thứ 4 tiếp tục.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết các nhà chức trách đang chuẩn bị giải pháp mới điều trị bệnh nhân COVID-19 trở nặng và bệnh nhân điều trị tại nhà trong trường hợp số ca mắc mới hàng ngày lên đến hơn 10.000 ca.

Giáo sư Yoon Tae-ho thuộc Đại học Y khoa Quốc gia Pusan nhận định Hàn Quốc cần một biện pháp phòng ngừa bổ sung khi một loại biến thể mới dễ lây lan hơn, có khả năng kháng thuốc cao hơn và gây ra tử vong cao hơn, xuất hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục