Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc vắng mặt, liệu có bỏ lọt tội?

Luật sư Lê Văn Thiệp thẳng thắn, nếu xét xử mà không có sự có mặt của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc vắng mặt, liệu có bỏ lọt tội? ảnh 1Luật sư Lê Văn Thiệp - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Ngày 7/5 vừa qua, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra cuối tháng 5, năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi phiên tòa diễn ra được hơn 1 giờ đồng hồ, Tòa án nhân dân thành phố quyết định hoãn phiên tòa.

Điều đáng lưu ý, dù được mời đến phiên tòa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Qúy Dương lại có đơn xin xét xử vắng mặt.

Xung quanh những vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - một trong 6 luật sư đăng ký bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương để hiểu rõ hơn nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.


Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

- Thưa luật sư, ngày 7/5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong đó có bị cáo Hoàng Công Lương đã tạm hoãn và có một chi tiết mà còn rất nhiều người băn khoăn, đó là đại diện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình không có mặt và ông Trương Quý Dương (Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi xảy ra vụ án) có gửi yêu cầu tới tòa xin xử vắng mặt. Ông có bình luận gì về điều này?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Quan điểm của tôi cho rằng để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật, trong trường hợp này theo như hồ sơ phản ánh và các chứng cứ đã cho thấy là việc nếu xét xử mà không có sự có mặt của ông Trương Quý Dương (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi vụ án xảy ra) thì sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Bởi lẽ trong trường hợp này Công ty Trâm Anh đã thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị đối với đơn nguyên thận nhân tạo của khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) suốt nhiều năm qua và lên đến khoảng gần 20 lần.

Như vậy, một đơn vị không có chức năng, không có ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cho phép đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó là sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị y tế và cũng không có chuyên môn về y tế, dẫn đến việc họ đã thực hiện sai trong đó có việc sử dụng các hóa chất bị cấm.

Như vậy trong trường hợp này thì có thể thấy rằng nếu như không có sự có mặt của ông Dương thì tôi cho rằng việc giải quyết vụ án này sẽ không triệt để và điều đó chắc chắn sẽ làm oan người vô tội.

- Luật sư có thể phân tích rõ hơn về việc bỏ lọt tội phạm này?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Trong trường hợp này chúng tôi cho rằng, nếu không triệu tập ông Dương đến tòa được thì Tòa án, các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình và các cơ quan khác sẽ phải có các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bắt buộc ông Dương phải có mặt ở tòa để làm rõ các tình tiết có liên quan đến việc ký kết hợp đồng với Công ty Thiên Sơn.

Bởi Công ty Thiên Sơn sau đó lại tiếp tục ký tiếp một hợp đồng chuyển sang cho đơn vị thứ ba. Theo quy định của Luật đấu thấu và các nghị định hướng dẫn thi hành thì nhà thầu chính có thể tìm các nhà thầu phụ nhưng thông thường sẽ không vượt quá 10% của giá trị đó. Nhưng ở đây, họ đã chuyển giao 100% giá trị của gói thầu liên quan tới việc sửa chữa các thiết bị đó.

Vì vậy chúng tôi cho rằng nếu trong phiên tòa xét xử ông Dương không có mặt thì vụ án sẽ có thể bị bế tắc bởi vì sẽ phải làm rõ xem ông ấy có biết hay không biết việc Công ty Thiên Sơn chuyển giao cho Công ty Trâm Anh.

Thứ hai, đó là trách nhiệm và vai trò của ông Dương trong bệnh viện như thế nào? Bởi theo quy định của quy chế bệnh viện cũng như các quy định khác của Luật thì ông Dương là Giám đốc bệnh viện, do đó ông Dương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người đứng đầu. Bản thân trong chế độ lương và phụ cấp thì đều có phụ cấp trách nhiệm.

Trong trường hợp này, nếu không triệu tập được ông Dương tới tòa thì chúng tôi cho rằng sẽ không thỏa mãn các yêu cầu trong việc chứng minh các chứng cứ có trong hồ sơ. Để chứng minh tội phạm thì trong trường hợp này phải có sự có mặt của những người có liên quan và trong trường hợp này việc ủy quyền sẽ không đảm bảo. Bởi vì theo quy định của pháp luật cũng vẫn còn có những điểm hổng.

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc vắng mặt, liệu có bỏ lọt tội? ảnh 2Ông Trương Qúy Dương. (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

“Ông Dương không được xuất cảnh”

- Có ý kiến bạn đọc phản ánh hiện nay ông Trương Quý Dương đã xuất cảnh và đang ở Canada. Ý kiến của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Theo quy định của pháp luật tôi nắm được thì các quy định về xuất nhập cảnh và cả các quy định hướng dẫn thi hành thì trong trường hợp này ông Trương Quý Dương là đối tượng, là người có quyền và có nghĩa vụ liên quan và ông Dương là người lãnh đạo trực tiếp nơi xảy ra hành vi bị coi là tội phạm, đó là việc xảy ra tai biến làm chết 8 bệnh nhân.

Trong trường hợp này về nguyên tắc thì ông Dương không được xuất cảnh và lý do do đơn vị hay cơ quan nào cho phép ông Dương xuất cảnh thì cần phải xem xét lại trách nhiệm.

- Nếu thông tin ông Trương Qúy Dương đang ở nước ngoài là đúng sự thật như Luật sư vừa phân tích thì các cơ quan chức năng như Viện kiểm sát, Hội đồng thẩm tra, Tòa án cần có những động thái như thế nào để giải quyết?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Về nguyên tắc thì ông ấy không phải là bị can, bị cáo và trong trường hợp này ông Dương là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nhưng theo quy định của pháp luật thì đã quy định rằng những người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là bị đơn…sẽ không được xuất cảnh, phải chờ đến khi xét xử, có quy định, có bản án và các quyết định của Tòa án thì mới xử lý được.

Chúng tôi cho rằng việc này không biết là có chủ ý hay không có chủ ý nhưng nếu như việc ông Dương không có mặt ở Việt Nam và có thể đang ở nước ngoài, trách nhiệm đó chúng tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan báo chí sau khi phản ánh thông tin này chắc chắn là họ sẽ phải thực hiện đầy đủ những biện pháp cần thiết để phiên tòa diễn ra đáp ứng được các yêu cầu.

- Thưa ông, theo cáo trạng thì ông Trương Qúy Dương là Giám đốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nơi mà xảy ra sự cố chạy thận thì chỉ bị xử phạt hành chính. Theo ông thì điều này có thỏa đáng không?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Như chúng tôi đã phân tích ngay từ đầu thì chúng tôi cho rằng cần phải khởi tố để xem xét trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (khi xảy ra vụ việc) đối với việc để cho một doanh nghiệp không có đủ năng lực, không có chức năng ngành nghề mà theo quy định của pháp luật cần phải có để tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa. Bởi đây là một trong những nguyên nhân gấy ra hậu quả chết người.

Trong trường hợp này, rõ ràng với tư cách là giám đốc bệnh viện thì ông Dương phải thực hiện việc xây dựng các quy trình làm thế nào để đảm bảo được các vật tư y tế phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, chất lượng cũng như là những quy định khác để đáp ứng việc khám chữa bệnh cho nhân dân một cách tốt nhất.

Trong trường hợp này, ông Dương sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc tìm những đối tác có đầy đủ điều kiện để tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị y khoa. Ngoài ra còn phải thực hiện việc đấu thầu một cách công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật để tìm được những nhà thầu cung cấp được các vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cũng như là sửa chữa trang thiết bị phù hợp. Với trách nhiệm là người đứng đầu thì ông Dương phải có những sáng kiến hoặc là phải có trách nhiệm trong việc đôn đốc kiểm tra, giám sát. Vụ việc vừa qua cho thấy, việc ký hợp đồng thiếu rất nhiều những điều khoản quan trọng gắn với sức khỏe con người.

Chúng tôi cho rằng đôi khi có thể vì lợi ích mà người ta đã coi thường tính mạng của người bệnh mà trong trường hợp này đã có những biểu hiện rất rõ ràng. Với tư cách là luật sư, đến thời điểm này chúng tôi đã và đang nghiên cứu một cách cẩn trọng và so sánh nó với các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó để xây dựng ra những luận cứ phù hợp nhất, thuyết phục nhất để tranh luận với đại diện Viện kiểm sát và để cho Hội đồng xét xử ở các phiên tòa sắp tới sẽ đưa ra được những quyết định phù hợp, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: Cựu Giám đốc vắng mặt, liệu có bỏ lọt tội? ảnh 3Ba bị cáo bị truy tố trước tòa trong phiên hoãn xét xử ngày 7/5. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

- Trong vụ án này, theo Luật sư, trách nhiệm của đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ra sao?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Trong trường hợp này, đại diện bệnh viện chỉ phải chịu các trách nhiệm đối với việc bồi thường cho các nạn nhân cũng như là làm rõ các tình tiết có liên quan đến hợp đồng đấu thầu liên quan đến việc kiểm tra, giám sát, sửa chữa và cung cấp các thiết bị liên quan đến việc thay thế hệ thống lọc nước của đơn nguyên thận nhân tạo.

Như vậy tôi cho rằng việc vắng mặt của bệnh viện cũng không có nhiều vấn đề, sớm hay muộn thì họ cũng sẽ phải có mặt trong thời gian thích hợp.

Trong trường hợp này thì ông Trương Quý Dương là người chịu trách nhiệm về vật tư và các cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại mà họ gây ra.

Kiến nghị phải có sự có mặt của nhiều bên

- Với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, Luật sư có thể cho biết việc truy tố trách nhiệm của bác sỹ Lương đã đúng người, đúng tội?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Với tư cách cá nhân là Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, tôi cho rằng việc truy tố trách nhiệm của bác sỹ Lương là không có căn cứ pháp luật và không có bất kỳ một quy định pháp luật nào để chỉ rõ là bác sỹ Lương đã thiếu những trách nhiệm nào, quy định ở đâu.

Hội đồng chuyên môn mà chúng tôi quan tâm nhất là xem bác sỹ đó có thực hiện đầy đủ quy trình khám chữa bệnh hay không, thì ở đây chúng tôi cho rằng không có trách nhiệm nào như thế cả.

Chúng tôi nhận thấy hiện nay có một vài luồng dư luận cho rằng bác sỹ Lương có ký một số giấy tờ nhưng thực ra đây là ký để xác nhận phần tài sản đó và các thiết bị máy móc sửa chữa thuộc phần quản lý của Khoa khám chữa bệnh Khoa hồi sức tích cực. Trong trường hợp này cho thấy xác nhận đó chỉ là một thủ tục hành chính để quản lý tài sản và để xác nhận tính xác thực là máy móc đó có sử dụng và có bị hỏng hóc chứ không phải người ta kê khống để nhằm rút tiền của tập thể. 

Trong trường hợp này thì bác sỹ thấy thiết bị hỏng thì báo cáo và sau đó thì xác nhận với phòng vật tư. Và trong trường hợp này thì chúng tôi thấy rất vô lý ở chỗ là bác sỹ Lương không nhận được bất kỳ lời cảnh báo nào. Trong trường hợp đấy thì các kỹ sư có liên quan đến việc bảo dưỡng và thay thế các thiết bị lọc nước thì họ đều có mặt ở đó cả.

Do đó, tôi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhận định một cách không phù hợp, không đúng với sự thật khách quan của vụ án và chắc chắn là không phù hợp với các quy định của pháp luật và không có chứng cứ nào để chứng minh được rằng thân chủ tôi phạm tội.

Vì vậy, khi anh không chứng minh được là người ta thiếu trách nhiệm thì anh không thể truy tố người ta về tội thiếu trách nhiệm được. Bởi vì trách nhiệm thì người ta đã thực hiện đúng và đầy đủ với quy định của pháp luật. Chứ đây không phải là trách nhiệm do các anh tưởng tượng ra.

Chúng tôi cho rằng trong phiên tòa sắp tới chúng tôi cũng có kiến nghị yêu cầu phải có sự có mặt của những người có liên quan như đại diện của Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Hội đồng chuyên môn cũng như là đại diện phụ trách các vấn đề có liên quan đến kinh tế như về hợp đồng hoặc là các vấn đề liên quan đến việc mua sắm tài sản công của Sở Y tế để họ trả lời rõ ràng về vấn đề này.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư Lê Văn Thiệp!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục