Sudan: Hội đồng quân sự chuyển tiếp chỉ định bộ trưởng tư pháp mới

Chủ tịch TMC Abdel-Fattah Al-Burhan đã ban hành một quyết định chỉ định ông Abbas Ali Babikir làm Bộ trưởng Tư pháp thay cho ông Abdul-Majeed Idris, người vừa rời vị trí này.
Sudan: Hội đồng quân sự chuyển tiếp chỉ định bộ trưởng tư pháp mới ảnh 1Người biểu tình Sudan phản đối chính quyền do Hội đồng quân sự chuyển tiếp điều hành, tại thành phố Kassala ngày 27/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) Abdel-Fattah Al-Burhan đã chỉ định Bộ trưởng Tư pháp mới của nước này.

Thông cáo ngày 5/5 của TMC cho biết: "Chủ tịch TMC Abdel-Fattah Al-Burhan đã ban hành một quyết định chỉ định ông Abbas Ali Babikir làm Bộ trưởng Tư pháp thay cho ông Abdul-Majeed Idris, người vừa rời vị trí này."

Trong một diễn biến khác, TMC cho biết sẽ công bố quan điểm về giai đoạn chuyển tiếp trong ngày 6/5. Đây là động thái mới nhất của quân đội trong các cuộc đàm phán với phe đối lập sau khi phế truất Tổng thống Omar al-Bashir.

Người biểu tình và các nhà hoạt động đã thảo luận với đại diện TMC nhằm thành lập một hội đồng chung để giám sát đất nước cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức. Tuy nhiên, các bên đang bế tắc về thành phần cũng như bên nào sẽ nắm vai trò kiểm soát hội đồng.

[AU gia hạn thời gian để quân đội Sudan chuyển giao quyền lực]

Ngày 2/5 vừa qua, Liên minh Các nhà hoạt động và nhóm đối lập (DFCF) đã gửi đến TMC một dự thảo Hiến pháp, trong đó có thể hiện quan điểm về giai đoạn chuyển tiếp. DFCF đang đợi phản hồi từ TMC để tiếp tục thực hiện các cuộc đàm phán.

Theo dự thảo này, TMC sẽ được thay tế bằng một hội đồng chuyển tiếp độc lập và có thẩm quyền. Dự thảo cũng đề cập đến trách nhiệm của nội các và quy định cơ quan lập pháp sẽ gồm 120 thành viên.

Căng thẳng đã leo thang tại Sudan sau khi các cuộc đối thoại giữa người biểu tình và TMC ngày 21/4 bị đổ vỡ.

Lực lượng biểu tình đã hoãn đối thoại với TMC, cho rằng TMC không khác mấy so với chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir, bị lật đổ ngày 11/4, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì các cuộc biểu tình cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng.

Lực lượng biểu tình kêu gọi chuyển giao quyền lực "ngay lập tức," cũng như thành lập một nội các gồm các nhà kỹ trị điều hành những vấn đề thường nhật của đất nước, cùng một hội đồng lập pháp, với tỷ lệ nữ giới chiếm ít nhất 40%, có nhiệm vụ dự thảo luật và giám sát nội các cho đến khi Hiến pháp mới được ban hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục