Suy thoái đa dạng sinh học đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo tương lai ngành sản xuất thực phẩm thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng suy thoái đa dạng sinh học trong môi trường.
Suy thoái đa dạng sinh học đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu ảnh 1Nguy cơ đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. (Nguồn: karissawright.club)

Ngày 22/2, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo tương lai ngành sản xuất thực phẩm thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng suy thoái đa dạng sinh học trong môi trường.

Trong báo cáo đầu tiên về vấn đề này, FAO đã tiến hành phân tích các số liệu từ 91 quốc gia trên thế giới và đưa ra kết luận ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự đa dạng sinh học, vốn là nền tảng quan trọng của các hệ thống sản xuất thực phẩm toàn cầu, đang giảm ở mọi cấp độ trên toàn thế giới. Báo cáo của FAO cũng chỉ ra một khi biến mất, các loài thực vật, động vật và các loài vi sinh vật có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống thực phẩm toàn cầu, sẽ không thể phục hồi. Thực tế này khiến ngành sản xuất thực phẩm và môi trường Trái Đất đối mặt với "nguy cơ nghiêm trọng".

Trên thực tế, dù có tới 6.000 loài thực vật được cho là có thể sử dụng làm thực phẩm, nhưng chỉ có chưa tới 200 loài được sử dụng rộng rãi và chỉ 9 loài thực vật tạo ra phần lớn sản lượng mùa màng cho toàn thế giới.

[Nhận diện các loài ngoại lai xâm hại gây mất cân bằng sinh thái]

Đa dạng sinh học giúp các hệ thống nông nghiệp nâng cao khả năng chống chọi với các đợt dịch bệnh, côn trùng và ứng phó với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt là hậu quả của biến đổi khí hậu như hạn hán....Báo cáo dẫn chứng những đợt dịch bệnh như rệp khoai tây tại Ireland đã khiến sản lượng thực phẩm giảm mạnh những năm 1840 hay sự biến mất của cây khoai môn nhiệt đới ở Samoa năm 1990 đã khiến sản lượng thực phẩm giảm một cách đáng kể.

Về mặt địa lý, các quốc gia khu vực Mỹ Latinh và Caribe, vốn có hệ sinh thái rất đa dạng, nay cũng đang chứng kiến số lượng lớn các nguồn thực phẩm hoang dã như các loài giáp xác, cá và côn trùng, dần cạn kiệt. Báo cáo chỉ ra gần 1/4 trong tổng số 4.000 loài được coi là nguồn thực phẩm hoang dã trên thế giới đang trong tình trạng suy giảm, trong đó tốc độ giảm mạnh nhất ở khu vực Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Những nguyên nhân gây suy thoái đa dạng sinh học được FAO đưa ra, là sự thay đổi trong thói quen sử dụng đất và nước, thiếu chính sách, tình trạng ô nhiễm, tận thu mùa màng và biến đổi khí hậu. Dù công nhận những nỗ lực của nhiều quốc gia khi áp dụng các biện pháp thân thiện với hệ sinh thái môi trường trong quản lý rừng bền vững, ngư nghiệp và nông nghiệp hữu cơ, nhưng FAO vẫn kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học.

Tổ chức này khẳng định nhiệm vụ bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm thế giới là rất quan trọng trong bối cảnh khoảng 821 triệu người dân trên thế giới đang sống trong cảnh thiếu ăn liên miên và tính tới năm 2050, dân số trên Trái Đất sẽ tăng từ 7,7 tỷ người lên mức gần 10 tỷ người. Việc đánh mất đa dạng sinh học và nông nghiệp đe dọa nghiêm trọng tới khả năng cung cấp thức ăn và dinh dưỡng cho dân số ngày càng gia tăng trên Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục