Tai nạn tàu hỏa dồn dập, đường sắt muốn ‘đại phẫu’ 352 tuyến ngang

Để hạn chế các vụ tai nạn, ngành đường sắt có kế hoạch 'đại phẫu' 352 đường ngang. Làm thế nào để giảm bớt số đường ngang mà không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân là một việc không đơn giản...
Tai nạn tàu hỏa dồn dập, đường sắt muốn ‘đại phẫu’ 352 tuyến ngang ảnh 1Đường sắt muốn nâng cấp các đường ngang biển báo thành cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt xảy ra thời gian qua xảy ra phần lớn ở các đường ngang, lối đi dân sinh tự mở giao cắt với đường bộ.

Dù ngành đường sắt đã có nhiều giải pháp tổng thể để ngăn chặn, giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn tại các điểm đen, tuy nhiên, với nguồn vốn phân bổ hạn hẹp, trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) “liệu cơm, gắp mắm” hạng mục nâng cấp, cải tạo, sửa chữa xong 352 đường ngang biển báo thành cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác trong năm 2019-2020.

“Đại phẫu” hơn 350 đường ngang

Theo Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung dự án nâng cấp, cải tạo bổ sung 452 đường ngang biển báo thành cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác, kinh phí dự kiến là 816,2 tỷ đồng.

[Đường sắt muốn xóa đường ngang dân sinh ngăn cái chết bất ngờ]

Năm 2018, nguồn kinh phí được bố trí để thực hiện nâng cấp, cải tạo 100 đường ngang (trong 452 đường ngang) là 170 tỷ đồng, VNR đã triển khai đấu thầu toàn bộ và sẽ hoàn thành trước vào cuối năm nay. Kinh phí chưa được bố trí để thực hiện việc nâng cấp cải tạo 352 đường ngang còn lại và trả nợ khối lượng thi công là 646,2 tỷ đồng.

Trên thực tế, từ năm 2016 đến tám tháng của năm nay, tình hình an toàn giao thông đường sắt vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở các 3 tiêu chí đó là xảy ra 890 số vụ tai nạn, 403 người chết và 791 người bị thương.

Nguyên nhân các vụ tai nạn trên chủ yếu do người dân, các phương tiện đường bộ (xe máy, ôtô) đi ngang qua đường sắt không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn.

Trước tình hình mất an toàn giao thông đường sắt liên tục xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường ngang lối đi dân sinh tự mở và đường ngang không có cảnh báo với đường sắt trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn nâng cấp, cải tạo đường ngang.

Tuy nhiên, do kinh phí chưa cấp đủ trong khi thời hạn hoàn thành là trước năm 2020, VNR đã khẩn trương triển khai thi công 100 đường ngang tương đương vốn được bố trí là 170 tỷ đồng và hoàn thành toàn bộ trong năm 2018.

Số đường ngang còn lại nếu được bố trí vốn kịp thời, VNR sẽ triển khai và hoàn thành ngay trong năm 2018-2019. Vì vậy, VNR kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết, cân đối bố trí đủ kinh phí 646,2 tỷ đồng trong năm 2018-2019 để thực hiện chuẩn bị đầu tư đảm bảo hoàn thành tiến độ nâng cấp, cải tạo 352 đường ngang còn lại.

Trước đó, VNR đã tiến hành rà soát, chọn lọc ưu tiên thực hiện nâng cấp cải tạo 100 đường ngang tại khu vực đông dân cư, có mật độ người và phương tiện qua lại lớn; các đường ngang có tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

[Đường sắt đề xuất nâng cấp 100 đường ngang thành cảnh báo tự động]

Với 100 đường ngang, ngành đường sắt dự kiến kinh phí thực hiện bình quân từ 1,68-2,2 tỷ đồng/một đuờng ngang sẽ góp phần tăng cường đảm bảo an toàn tại các đường ngang biển báo là điểm đen về tai nạn giao thông.

VNR đề xuất phương án thực hiện gộp từ 3-5 đường ngang thành một công trình (theo địa bàn quản lý tuyến đường sắt địa phương), dự kiến 100 đường ngang lập thành 20 công trình tương ứng với 8,4 tỷ đồng/một công trình.

Vốn ít nên… “thắt lưng, buộc bụng”

Theo thống kê của VNR, hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc có 1.519, còn lại là 4.200 lối đi tự mở (chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt). Hiện, đường sắt có 654 rào chắn và gác chắn ở các đường ngang, hơn 800 đường ngang chưa có.

Tai nạn tàu hỏa dồn dập, đường sắt muốn ‘đại phẫu’ 352 tuyến ngang ảnh 2Nhân viên đường sắt kéo cần chắn thủ công để tàu chạy qua đường ngang. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.

[Còn 4.200 đường ngang luôn có ‘tử thần’ rình rập người qua đường]

Theo ông Minh, Luật Đường sắt năm 2017 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018, đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở (đường ngang dân sinh) qua đường sắt đồng thời quy định chi tiết và phân rõ chịu trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hàng nghìn điểm đen đường sắt.

Chỉ ra tồn tại cố hữu của các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang.

“Lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường dân sinh chiếm tới gần 42%; cùng đó, lỗi do người điều khiển phương tiện vi phạm khoảng giới hạn đường sắt và người đi bộ đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt chiếm gần 9% và lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ qua đường ngang có biển báo chiếm trên 11%,” ông Hùng đưa ra một loạt thông số qua phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Thừa nhận công tác triển khai các đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh, bảo đảm hành lang an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn, theo ông Hùng, hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt; thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

[Chủ tịch Đường sắt: 'Thế kỷ 21 vẫn cầm cờ chạy chân đất để bắt tàu’]

“Nếu không làm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì sẽ vẫn còn tai nạn. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chưa nhận thấy xử lý đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã, huyện theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn với đường sắt. Để xảy ra thì chỉ mới phê bình mà chưa có hình thức nào xử lý nặng hơn,” ông Hùng nhấn mạnh.

Tai nạn đường sắt khiến 2 người tử vong tại Nghệ An. (Nguồn: VNEWS)

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo an toàn giao thông sáu tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, số lượng lớn đường ngang bất hợp pháp cộng với ý thức của người tham gia giao thông không tốt đã gây ra các vụ tai nạn đường sắt.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan dứt khoát phải xóa sổ đường ngang bất hợp pháp; quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt đồng thời lưu ý không chỉ sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mà trong năm 2019 cần tính toán để lại phần lớn tiền xử phạt vi phạm giao thông cho địa phương để xử lý điểm đen và hộ lan cho đường sắt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục