Tâm lý cải thiện giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu giữa đại dịch

Theo các chuyên gia của ADB, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã công bố mức tăng trưởng hàng quý mạnh mẽ ở mức 11,6% vào cuối tháng Chín, đạt 65,3 tỷ USD.
Tâm lý cải thiện giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu giữa đại dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Tại ấn phẩm “Giám sát Trái phiếu châu Á”, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, lập trường tiền tệ thích ứng đã duy trì sự tăng trưởng của các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi, với các thị trường tiền tệ và chứng khoán khởi sắc vào đầu tháng 11.

Ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện trong tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu, nhưng diễn biến rất khó lường của đại dịch COVID-19 vẫn đè nặng lên triển vọng kinh tế của khu vực. Các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ lớn và đang tăng trưởng của khu vực có thể giúp tài trợ cho sự phục hồi hậu COVID-19 bền vững và bao trùm.”

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

[ADB: Trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng mạnh 65,6%]

Tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 18.700 tỷ USD vào cuối tháng Chín, cao hơn 4,8% so với thời điểm cuối tháng Sáu và cao hơn 17,4% so với năm ngoái. Lượng trái phiếu phát hành của thị trường Đông Á mới nổi trong quý 3 đã tăng lên tới 2.200 tỷ USD, cao hơn 6,4% so với quý trước và 39,8% so với cùng kỳ năm trước, do các chính phủ vay tiền để hỗ trợ những chương trình kích thích quy mô lớn.

Cũng theo các chuyên gia của ADB, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã công bố mức tăng trưởng hàng quý mạnh mẽ ở mức 11,6% vào cuối tháng Chín năm nay - tốc độ tăng trưởng hằng quý cao nhất trong khu vực Đông Á mới nổi - đạt 65,3 tỷ USD. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự mở rộng trong cả phân khúc trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Nếu tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi đã tăng từ 91,6% vào cuối tháng Sáu lên tới 95,6% vào cuối tháng Chín. Tỷ lệ trái phiếu đang lưu hành trên GDP gia tăng chủ yếu do các chính phủ trong khu vực tăng tài trợ để đẩy lùi những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong thị trường trái phiếu khu vực, với 11.500 tỷ USD vào cuối tháng Chín. Trái phiếu doanh nghiệp đạt 7.200 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ lớn nhất của khu vực, chiếm 77,5% tổng lượng trái phiếu của Đông Á mới nổi.

Trong khi đó, phân khúc trái phiếu Chính phủ của Việt Nam đã tăng 9,1% so với quý trước vào cuối tháng 9/2020 đạt 54,7 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng lượng trái phiếu của cả nước. Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, tăng 26,9% so quý trước, đạt 10,6 tỷ USD. Tăng trưởng hằng năm của trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 129,1% vào cuối tháng Chín năm nay.

Chuyên gia ADB cũng nhận định, COVID-19 vẫn là rủi ro tiêu cực lớn nhất đối với thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi và triển vọng toàn cầu, nhất là khả năng có các làn sóng lây nhiễm mới, cùng với đó là các lệnh phong tỏa và những hạn chế khác đối với các hoạt động kinh tế. Ngoài ra, căng thẳng thương mại tiếp diễn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng vẫn là một nguy cơ.

Ấn bản mới nhất của báo cáo “Giám sát Trái phiếu châu Á” có bốn khung nội dung thảo luận, tìm hiểu tác động của COVID-19 đối với các thị trường tài chính toàn cầu và động lực của các dòng vốn; sự ổn định tài chính ở khu vực Đông Nam Á; các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ và rủi ro tỷ giá hối đoái; và thời gian hồi phục từ các cú sốc kinh tế.

Một phần đặc biệt của báo cáo giám sát này xem xét cách thức mà tài chính bền vững có thể góp phần vào sự phát triển xanh và bao trùm trong kỷ nguyên hậu COVID-19 và một chương chủ đề đặc biệt thảo luận mối liên hệ giữa hiệu suất của khu vực ngân hàng với sự phát triển của thị trường trái phiếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục