Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho rằng công tác ngoại giao cũng như thương vụ cần được phát triển hơn nữa trong thời gian tới cùng với xu hướng hội nhập toàn cầu.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ảnh 1Toàn cảnh phiên họp toàn thể với nội dung 'Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng' trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13-17/8 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII." 

Đế dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước; ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, nhất là đầu tư nước ngoài và ODA hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước; đẩy mạnh vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường theo lộ trình cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cùng với đó, Việt Nam tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận hiệp định thương mại tự do đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn.

Bên lề hội nghị, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ những thông tin về cơ hội tăng cường, hợp tác đầu tư, đánh giá cao vai trò hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Cơ hội tăng cường giao thương, đầu tư

Bên lề hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ông Trần Ngọc An đánh giá đến nay, quan hệ Việt Nam-Anh phát triển hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực từ trao đổi đoàn các cấp, quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại hai chiều tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 6,1 tỷ USD.

Việt Nam cũng xuất khẩu sang Anh hàng hóa trị giá 5,4 tỷ USD, nhập khẩu từ Anh hàng hóa trị giá hơn 700 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều hai nước tăng 40%. Nguồn vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam ngày càng tăng.

Hiện nay, Anh là một trong 15 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 3,7 tỷ USD. Trong lĩnh vực du lịch, năm 2017, Việt Nam đón gần 300.000 lượt khách du lịch Anh, đạt mức tăng trưởng từ 15-20%. Khách du lịch vào Việt Nam, khi quay trở về đều có những ấn tượng tốt đẹp.

Đại sứ Trần Ngọc An cho rằng trong bối cảnh nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, nước này sẽ phải nhìn rộng hơn. Bên cạnh các đối tác toàn cầu, đối tác truyền thống cũ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, nước Anh phải nhìn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Việt Nam đang trở thành một điểm sáng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Anh. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường hơn nữa giao thương, đầu tư với nước Anh.

Đại sứ Trần Ngọc An cho biết trước đây, Việt Nam quan tâm đến thị trường Anh hơn, nhưng hiện các doanh nghiệp Anh đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất. Đây là cơ hội để hai nước cùng phát triển dựa trên mối quan hệ tương hỗ của hai nền kinh tế Anh và Việt Nam, bởi hai thị trường này có tính chất bổ sung, có ít yếu tố cạnh tranh. Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Anh hiện nay là cơ hội lớn để thu hút dòng đầu tư trực tiếp và gián tiếp thông qua các quỹ tài chính đến từ Anh.

Theo Đại sứ Trần Ngọc An, các doanh nghiệp lớn của Anh mà Đại sứ quán tiếp xúc đều đánh giá thị trường Việt Nam hiện nay không chỉ là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực mà còn có tính dự báo khả thi trong trung hạn và dài hạn.

Đại sứ hy vọng thời gian tới sẽ có một làn sóng mới các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Đến tháng 3/2019, nước Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và sẽ có thêm hơn 1 năm trong giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, ngay thời điểm này, phía Anh đã tích cực trao đổi với phía Việt Nam về việc chính thức xem xét để có cơ chế phối hợp song phương giữa hai nước, trong đó chú trọng lĩnh vực về kinh tế, thương mại.

Đại sứ Trần Ngọc An nhấn mạnh Hiệp định thương mại tự do song phương là một trong những khả năng hai bên hướng tới. Bởi lẽ, khi chưa có Hiệp định thương mại tự do song phương, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng trưởng từ 15-20%, hy vọng, thời gian tới, thương mại hai nước sẽ tăng trưởng hơn, phù hợp lợi ích của cả hai nước.

Chia sẻ thông tin, nước Anh hiện là nền kinh tế lớn thứ hai của châu Âu, lớn thứ 5 thế giới, các doanh nghiệp Anh có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm, tư vấn, công nghệ thông tin, công nghệ cao, Đại sứ Trần Ngọc An nhận định, hiện cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh là rất lớn nhưng để tận dụng được cơ hội này cũng không phải dễ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa, triển khai hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Anh hết sức quan tâm đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, vấn đề công khai, minh bạch môi trường kinh doanh từ Chính phủ.

Về hoạt động kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thâm nhập và học hỏi thị trường Israel trong thời gian qua, Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải cho biết qua những cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối trực tiếp, gián tiếp, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã triển khai hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam hợp tác thành công với các đối tác Israel để áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng.

Điển hình như Tập đoàn Vingroup hợp tác với doanh nghiệp Israel phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc và một số tỉnh, thành. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã nhập công nghệ của Israel từ trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa cho đến trồng cây ăn quả, áp dụng vào trồng bưởi da xanh ở Lào, Campuchia...

Về chăn nuôi, Israel có công nghệ nuôi tôm càng xanh đơn tính toàn đực cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại tôm khác. Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã kết nối một số tỉnh, thành của Việt Nam hợp tác với Tập đoàn Tiran của Israel để sản xuất tôm giống càng xanh đơn tính, cung cấp cho bà con khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hợp tác sản xuất con giống cá rô phi đỏ đơn tính, vừa đáp ứng nhu cầu nuôi trong nước vừa có thể xuất con giống sang châu Âu.

Đại sứ Cao Trần Quốc Hải cho rằng tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại với thị trường Israel còn rất lớn, có thể lên đến hơn 3 tỷ USD. Hiện hai nước đã trải qua 5 phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do (VIFTA). Hai nước đang nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán nhằm tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ cho buôn bán giữa hai nước ngày càng phát triển.

Đại sứ Cao Trần Quốc Hải khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Israel luôn sẵn sàng hỗ trợ và sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.

Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển, sở hữu, khai thác cảng biển cũng như logistics trên toàn quốc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Lê Quang Trung khẳng định thực tế với đặc thù trong kinh doanh của Vinalines cũng như thâm nhập thị trường, Vinalines xác định phát triển đối tác quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty.

Ông Lê Quang Trung đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành ngoại giao nói chung và các cơ quan thương vụ, đại diện nước ngoài nói riêng đối với các doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt trong vấn đề kết nối với các đối tác quốc tế, cung cấp thông tin thị trường tại các nước sở tại, hỗ trợ kiểm tra đối tác cũng như kết nối thực hiện các hợp đồng quốc tế.

Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ảnh 2Toàn cảnh phiên họp toàn thể với nội dung 'Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng' trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ông Lê Quang Trung cho rằng công tác ngoại giao cũng như thương vụ cần được phát triển hơn nữa trong thời gian tới cùng với xu hướng hội nhập toàn cầu.

Ông Lê Quang Trung cho biết hiện nay, Vinalines đang thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu vào trong các lĩnh vực: vận tải biển, hợp tác khai thác cảng biển cũng như trong chuỗi logistics cung ứng trên toàn cầu, hỗ trợ cho ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thông qua các cơ quan thương vụ, cơ quan ngoại giao, Vinalines đã kết nối hợp tác, làm việc với nhiều đối tác, cụ thể là các đối tác của Nhật Bản trong lĩnh vực liên quan đến vận tải biển, phát triển các tuyến tàu vào Việt Nam cũng như các dịch vụ từ Việt Nam đi; hợp tác với Đan Mạch, Hoa Kỳ, Singapore trong lĩnh vực phát triển cảng biển; hợp tác với Hy Lạp và châu Âu trong lĩnh vực về logistics và thuê tàu.

[Thủ tướng: Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm]

Bày tỏ sự cảm ơn đối với ngành Ngoại giao cũng như các cơ quan thương vụ thuộc Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ Vinalines trong công cuộc đổi mới, cải tổ, tái thiết thời gian qua, ông Lê Quang Trung mong muốn thời gian tới ngành ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh hơn các hoạt động về kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin; tăng cường tổ chức những cuộc gặp gỡ trực tiếp, các cuộc hội nghị, xúc tiến thương mại tại Việt Nam và nước ngoài nhằm tăng tính kết nối, tạo cơ hội tiếp cận giữa các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm các nhà xuất khẩu, nhà vận tải logistics tiếp cận được thị trường thế giới với giải pháp tốt nhất và chi phí logistics thấp nhất theo yêu cầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian vừa qua.

Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện đang đầu tư, kinh doanh tại 10 nước trên thế giới.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng, khi các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, việc quan trọng nhất là thông tin về thị trường, chính trị, kinh tế, môi trường, văn hóa tại nước sở tại. Về mặt này, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp cho doanh nghiệp những nguồn tin rất giá trị. Khi thâm nhập thị trường, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài lại là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng của nước bạn khi tổ chức những cuộc gặp gỡ, xúc tiến đầu tư. Trong quá trình kinh doanh, khi gặp những vướng mắc về pháp lý, Đại sứ quán là nơi đầu tiên, doanh nghiệp tìm đến để nhận sự hỗ trợ.

Hiện nay, trong số các nước Viettel đang đầu tư, kinh doanh có một số nước chưa có Cơ quan đại diện của Việt Nam nên Tập đoàn cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ông Lê Đăng Dũng kiến nghị Bộ Ngoại giao nên mở Cơ quan đại diện tại khu vực có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hoặc tại những nước có vai trò kinh lớn trong khu vực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sang đầu tư thông qua nhiều đường khác nhau, ông Lê Đăng Dũng cho rằng nếu Bộ Ngoại giao đảm nhận vai trò kết nối sẽ tăng tính hiệu quả trong việc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhằm tạo ra sức mạnh lớn hơn cho kinh tế Việt Nam./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục