Tăng cường quan hệ Việt Nam-Ấn Độ qua công tác bảo tồn đền tháp Mỹ Sơn

Đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh sự giao thoa văn hóa và con người giữa 2 nước đã được củng cố thông qua việc khôi phục di tích Chăm và Mỹ Sơn; đồng thời mong muốn triển khai thêm các dự án bảo tồn di tích.
Tăng cường quan hệ Việt Nam-Ấn Độ qua công tác bảo tồn đền tháp Mỹ Sơn ảnh 1Trùng tu thân tháp thuộc nhóm tháp A. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Ngày 28/3, tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), tỉnh Quảng Nam và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Việt Nam (7/1/1972-7/1/2022); đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn của chính phủ Việt Nam và chính phủ Ấn Độ (dự án).

Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết sau 5 năm thực hiện, dự án đã cơ bản hoàn thành với những kết quả to lớn trong việc phục hồi các nhóm tháp K, H và tháp A.

Đặc biệt trong quá trình trùng tu, các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ đã phát hiện được bộ linga-yoni liền khối, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đây là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của Khu Đền tháp Mỹ Sơn và có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách, nhất là khách quốc tế.

[Quảng Nam: Đêm Mỹ Sơn huyền thoại tại thung lũng thần linh]

Kết quả của Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn là bằng chứng sinh động về tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác đầy hiệu quả của Chính phủ, nhân dân 2 nước Việt Nam-Ấn Độ.

Quá trình thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng và hình thành cho tỉnh Quảng Nam lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích.

Với việc hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo tại 2 khu tháp H, K và một phần cơ bản tại khu A không những đã khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn, một di sản văn hóa thế giới đặc sắc tại miền Trung Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh, việc trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn do chính phủ Ấn Độ tài trợ đã góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước nói chung, tỉnh Quảng Nam-Đại sứ quán Ấn Độ và các đối tác nói riêng.

Tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam thực hiện hoàn thiện tốt những phần việc còn lại trong việc trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và triển khai thực hiện những dự án trùng tu, tôn tạo những di sản khác trong thời gian tới.

Theo đề nghị của các chuyên gia Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ và tinh thần thống nhất của Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 1 năm (năm 2022) để đảm bảo hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc theo bản ghi nhớ của hai chính phủ, tiếp tục triển khai công tác khảo sát, lập hồ sơ khoa học phục vụ việc tu bổ, tôn tạo tháp F để phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu.

Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho biết đây là một phần nằm trong dự án hỗ trợ của Ấn Độ dành cho các khu di tích, đã phục hồi 3 khu (khu H, khu K và khu A).

Đây là những biểu tượng mạnh mẽ của mối quan hệ sử học, thể hiện sự gắn bó văn hóa giữa xã hội Việt Nam và Ấn Độ vượt qua những khoảng cách địa lý.

Tăng cường quan hệ Việt Nam-Ấn Độ qua công tác bảo tồn đền tháp Mỹ Sơn ảnh 2MUKHALINGA nguyên bản gốc được giữ gìn cẩn trọng tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Quá trình phục hồi di tích là một thành tựu to lớn trong việc mang lại sức sống cho mối quan hệ giữa hai nước, góp phần truyền đạt những kiến thức về nền văn minh cổ đại cho thế hệ trẻ ngày nay.

Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tin rằng cùng với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng, việc phục hồi di tích sẽ giúp Mỹ Sơn thu hút thêm nhiều khách du lịch.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh sự giao thoa văn hóa và con người giữa 2 nước đã được củng cố thông qua việc khôi phục di tích Chăm và Mỹ Sơn; đồng thời mong muốn triển khai thêm các dự án bảo tồn di tích - một phần quan trọng trong mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam.

Theo đó, sau 5 năm (2017-2021) thực hiện, Dự án đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo tại 2 khu tháp H, tháp K và một phần cơ bản tại khu tháp A

Tại khu tháp K và H đã thực hiện phát lộ, khai quật với diện tích hơn 1.100m2; qua đó, phát hiện tháp K có hai cửa ở 2 hướng Đông-Tây và 2 bức tường thấp chạy song song, kéo dài về hướng E, F, trước đây bị vùi lấp trong đống vật liệu đổ nát.

Bên cạnh việc gia cố vững chắc hệ thống chống đỡ tháp H1 đang bị nghiêng, lún, Dự án tập trung bảo tồn, tu bổ phần tường phía Đông, phía Nam tháp H4, tường bao phía Đông và phía Tây của khu tháp H, tháp K.

Đặc biệt, tại tháp A là ngôi đền thờ chính có quy mô lớn nhất tại Mỹ Sơn đã gia cố và tu bổ các hạng mục chính của khu tháp A gồm các tháp A1, A8, A10, A11 và một đoạn tường bao khu A./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục