Tăng trưởng kinh tế vĩ mô kỳ vọng vượt các chỉ tiêu của năm

Các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đi vào đời sống đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đây.
Tăng trưởng kinh tế vĩ mô kỳ vọng vượt các chỉ tiêu của năm ảnh 1Kinh tế-xã hội đang dần ổn định và được giữ vững với đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: TTXVN)

Chặng đường tám tháng của năm 2022, nền kinh tế ghi nhận sự phục hồi tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, giới phân tích cho rằng khả năng kinh tế Việt Nam sẽ dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như các năm trước đại dịch COVID-19.

Chủ động giữ dư địa chính sách

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong thời gian qua, chính phủ duy trì thực hiện tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh,” theo đó dịch bệnh được kiểm soát tốt và tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện.

Về phát triển kinh tế, ông Phương chỉ ra nhiều điểm tích cực về việc chính phủ xây dựng, ban hành, thông tin và tổ chức thực hiện bài bản các khung khổ chính sách hướng tới thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cùng với sự giám sát, theo dõi, đánh giá thường xuyên.

“Từ đầu năm tới nay, kinh tế-xã hội đang dần ổn định và được giữ vững cùng sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thêm vào đó, chính phủ chủ động giữ dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai cũng như duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh và tạo không gian cho các mô hình kinh tế mới,” ông Phương nhấn mạnh.

Chỉ số sản xuất sản phẩm công nghiệp của một số ngành trọng điểm tám tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021:

Tăng trưởng kinh tế vĩ mô kỳ vọng vượt các chỉ tiêu của năm ảnh 2Đơn vị: % - Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo thống kê sơ bộ từ Bộ kế hoạch và Đầu tư, các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã giải ngân khoảng 48 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân trên 9.200 tỷ đồng/19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 (bao gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, mua máy tính-thiết bị phục vụ học trực tuyến; mua, thuê mua nhà ở cho công nhân) và giải ngân vốn vay các chương trình tín dụng có hỗ trợ lãi suất đạt hơn 60.200 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư tăng mạnh

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trên bình diện toàn cầu, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng từ các yếu tố xung đột chính trị quân sự giữa Nga và Ukaina khiến giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, lạm phát gia tăng dẫn đến phục hồi kinh tế chậm tại nhiều quốc gia. Hơn nữa, dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng với nhiều biến thể mới… Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở đó, kết quả tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2022 có sự hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê cho hay chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng cao trong bảy tháng liên tiếp. Tính chung 8 tháng, chỉ số IIP tăng 9,4% (trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm) đồng thời mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng các năm 2018-2022:

Tăng trưởng kinh tế vĩ mô kỳ vọng vượt các chỉ tiêu của năm ảnh 3Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đặc biệt, vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 8 tháng ước tăng 16,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% và đây là mức cao nhất của tám tháng trong 5 năm qua.

Ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng đjat được các kết quả trên là nhờ chính phủ đẩy mạnh chỉ đạo phân bổ chương trình phục hồi kinh tế được Quốc hội phê duyệt đồng thời khẩn trương đôn đốc giải ngân đầu tư công. Đây là điều kiện đẩy mạnh tăng tốc cho các ngành phụ trợ khác, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư của nước ngoài ngày càng lớn.

“Nhờ đó, kinh tế trong nước hồi phục mạnh trong tám tháng và đón nhận luồng vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Với đà này, tăng trưởng GDP có thể vượt xa chỉ tiêu 6%-6,5% mà Quốc hội giao,” ông Tuyến kỳ vọng.

Cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận nếu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện trọn vẹn theo kế hoạch đặt ra, tiến trình phục hồi nền kinh tế sẽ rất tích cực, hiệu quả và bền vững.

“Khi các giải pháp được thực thi hiệu quả và nhiều chủ thể, nhất là các doanh nghiệp, tận dụng được cơ hội để vươn lên, chắc chắn nền kinh tế trong nước sẽ phục hồi và có khả năng đạt, thậm chí vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022 và những năm tới,” ông Phương nhấn mạnh.

Tình hình quốc tế, trong nước mặc dù có những thuận lợi song nhiều thách thức vẫn đan xen. Trên cơ sơ ghi nhận dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, bà Ngọc kiến nghị một số giải pháp; trong đó đặc biệt nhấn mạnh các ngành, địa phương cần tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi và mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên đồng thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; đặc biệt là liên tục cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án có tiến độ thực hiện chậm, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ trong phạm vi của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục