Ngày 25/2, Cục điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng của 38 thành viên phong trào chống chính phủ Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) và ba tài khoản khác liên quan.
Tuy nhiên, Giám đốc DSI Tarit Pengdith cho biết Trung tâm gìn giữ hòa bình và trật tự (CMPO) của chính phủ tạm quyền sẽ tiếp tục theo dõi các tài khoản này vì 38 người trên là các đối tượng đang bị truy nã. DSI đã bắt đầu phong tỏa các tài khoản của các thủ lĩnh biểu tình từ tháng 12/2013.
Theo ông Tarit, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa được đưa ra sau khi tòa án dân sự Thái Lan ra phán quyết cấm CMPO có các hành động mạnh chống lại người biểu tình. Ông cũng cho biết thêm rằng CMPO sẽ kháng cáo phán quyết của tòa để có thêm quyền lực đối phó với các cuộc biểu tình.
Trong một phát biểu trên truyền hình, ông Tarit cảnh báo tình hình có thể "leo thang thành nội chiến" đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Trước đó, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cũng cảnh báo sẽ xảy ra nội chiến nếu các bên không tôn trọng luật pháp. Ông khẳng định lại rằng quân đội giữ vai trò trung lập và sẽ "hành động vì đất nước và nhân dân, không vì một bên đặc biệt nào."
Trong khi đó, Chủ tịch CMPO, Bộ trưởng Lao động tạm quyền Chalerm Yubamrung cho biết các thủ lĩnh biểu tình đang được bảo vệ bởi 500 tay súng tại một số điểm biểu tình ở trung tâm thủ đô Bangkok. Các nhân viên an ninh không có vũ khí không thể bắt các thủ lĩnh biểu tình vì có thể bị lực lượng cảnh vệ vũ trang này tấn công.
Theo phán quyết của tòa án, cảnh sát không được sử dụng vũ lực chống lại các thủ lĩnh biểu tình cũng như người biểu tình dù sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đang có hiệu lực ở thủ đô và các tỉnh lân cận.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ hiện nay là khủng hoảng chính trị đẫm máu nhất ở Thái Lan kể từ sau các cuộc đụng độ trong biểu tình năm 2010 làm hơn 90 người thiệt mạng.
Theo Cơ quan Y tế khẩn cấp, kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu hồi tháng 11/2013 đến nay đã có 16 người thiệt mạng, 695 người bị thương trong các vụ đụng độ bạo lực.
Các cuộc biểu tình liên tiếp cũng đã khiến kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 1 giảm mạnh nhất trong vòng bốn năm qua. Nhập khẩu giảm 15,5% so với tháng 12/2013 trong khi xuất khẩu giảm 2%. Du lịch cũng bị tác động nặng nề.
Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết trong tháng Hai này, tỷ lệ đặt phòng ở thủ đô Bangkok chỉ dao động quanh con số 50%, thấp hơn mức bình thường 80% vào cùng thời điểm hàng năm.
Dự kiến, báo cáo doanh thu của hãng hàng không Thai Airways cũng sẽ thua lỗ nặng do lượng khách du lịch giảm. Đáng chú ý, ngành du lịch đóng góp tới 10% GDP của Thái Lan./.