Thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Các đại biểu nhất trí cần xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ảnh 1Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Pháp luật. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 20/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 16 thẩm tra dự án Luật ban hành văn bản quy phạm phạm luật.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2004 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện hai luật này bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định như hệ thống pháp luật quá phức tạp, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, tính khả thi chưa cao; tình trạng luật “ống,” luật “khung” còn tồn tại nhiều trong khi việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, không kịp thời.

Bên cạnh đó, năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đến chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục... Tinh thần và quy định mới của Hiến pháp là cơ sở hiến định quan trọng cho việc thể chế hóa trong các đạo luật, trong đó có Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Với những lý do nêu trên, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục cải tiến quy trình lập pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành luật còn nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm quan điểm xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần khắc phục tình trạng chậm, nợ văn bản, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, dự án luật cần phân biệt giữa hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành với hạn chế do việc tổ chức thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị trong dự án luật chính xác, phù hợp hơn…

Đảm bảo tính thống nhất của dự án Luật

Tán thành với các quy định về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc các quy định tại Điều 22 và Điều 23 quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp huyện và của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thực hiện theo quy định của 2 đạo luật khác.

Ban soạn thảo cân nhắc việc bổ sung quy định tại Chương XI về Tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ thi hành pháp luật là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Thi hành pháp luật gồm nhiều nội dung khác nhau và được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Tiếp công dân; Luật Thanh tra...

Cho ý kiến về thẩm định, thẩm tra dự án văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu nhận thấy, để nâng cao tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cần thiết phải có cơ chế đánh giá, thẩm tra nguồn lực để thi hành các văn bản này. Khắc phục tình trạng chậm trình hồ sơ dự án Luật, pháp lệnh, ban soạn thảo cần thiết bổ sung quy định cơ quan chủ trì thẩm tra, thẩm định phải từ chối thẩm tra, thẩm định trong trường hợp hồ sơ dự án gửi không đúng thời hạn.

Để đảm bảo tính thống nhất, dự án Luật bổ sung Điều 55 quy định trong báo cáo thẩm tra phải nêu rõ ý kiến của cơ quan thẩm tra về việc dự án đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tương thích với quy định về thẩm quyền của cơ quan thẩm định tại Điều 84 của dự án Luật...

Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về thẩm quyền ban hành và hình thức của văn bản quy phạm pháp luật; chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh; Hội đồng tư vấn chính sách pháp luật; trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục