Thanh Hóa thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Bắc Á

Thanh Hóa hiện có khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 4 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á 2 tỷ USD/năm.
(Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều 30/10, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo phổ biến thông tin, thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương đã phổ biến thông tin, thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á tại Thanh Hóa liên quan đến các vấn đề về nhu cầu nhập khẩu của khu vực Đông Bắc Á đối với các mặt hàng thế mạnh của tỉnh; tiềm năng, dư địa xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh; một số vấn đề cần lưu ý đối với xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á.

Thảo luận theo hình thức trực tuyến với các đại diện Thương mại tại các nước Đông Bắc Á, các Tham tán thương mại đều cho rằng thị trường Đông Bắc Á, mà chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là đối tác thương mại truyền thống, quan trọng và vẫn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, nhưng nhìn chung, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa chưa có hàm lượng giá trị gia tăng cao, chủ yếu là hàng hóa gia công như hàng may mặc, giầy dép hoặc các mặt hàng có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên như đá ốp lát, ximăng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Thanh Hóa chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng các quy trình quản lý hiện đại.

Việc tiếp cận thông tin và vận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường còn hạn chế.

Các đại biểu cho rằng yêu cầu thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Bắc Á ngày càng cao, đặc biệt với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc..., thời gian tới, Thanh Hóa cần chú trọng vào những sản phẩm cao, thân thiện môi trường; sản phẩm có thương hiệu, an toàn, thiết kế đa dạng.

Đối với các mặt hàng dệt may, cần ưu tiên các mặt hàng chuyên dụng, thân thiện với môi trường, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh.

Các mặt hàng da giày ưu tiên sự tiện lợi, thoải mái, thiết kế đẹp, đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh. Với các sản phẩm nông lâm thủy sản cần yếu tố an toàn, truy suất nguồn gốc, tiêu chuẩn rõ ràng, bao bì đẹp...

[Xuất khẩu bật tăng sau COVID-19, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục]

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa sang thị trường Đông Bắc Á đạt 6.780 triệu USD, chiếm gần 48,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Trong đó, năm 2020 ước đạt 1.978,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 55,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với các sản phẩm chủ yếu là hàng dệt may, da giày, thủy hải sản, sản phẩm cói, thủ công mỹ nghệ, tinh bột sắn, dăm gỗ, bột cá, dứa đóng hộp…

Trong giai đoạn tới, Thanh Hóa tiếp tục xác định Đông Bắc Á là thị trường trọng tâm, chiến lược.

Tỉnh đã và đang tập trung duy trì, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại với chính quyền và các tổ chức, hiệp hội tại khu vực này; ưu tiên các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu tại khu vực Đông Bắc Á.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, khu vực Đông Bắc Á là địa bàn trọng điểm có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam về thương mại. Riêng năm 2019, Đông Bắc Á là khu vực thị trường chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng tại Thanh Hóa với khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 4 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á 2 tỷ USD/năm.

Thanh Hóa đã phát triển nhiều sản phẩm xuất khẩu quan trọng có thể tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á và xuất khẩu ra toàn thế giới như lọc hóa dầu, sắt thép, ximăng, may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ, gạch đá ốp lát, thủy hải sản, tinh bột sắn, sản phẩm chăn nuôi, thực phẩm chế biến đóng hộp, hàng thủ công Mỹ nghệ...

Là địa phương có quy mô đứng thứ 8 cả nước, có nhiều nguồn lực phát triển về nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối vùng Đông bằng sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ Công thương tin tưởng Thanh Hóa sẽ phát huy được lợi thế, tiềm năng phát triển to lớn của mình để trở thành 1 cực tăng trưởng mới của Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển như mục tiêu Nghị quyết 58-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ giao Vụ thị trường châu Á-châu Phi thường xuyên cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Thanh Hóa về nhu cầu, sự thay đổi xu hướng của thị trường Đông Bắc Á cũng như các chính sách tiêu chuẩn nhập khẩu để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á tại Thanh Hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục