Thế giới chuẩn bị chạm mốc 17,5 triệu ca nhiễm COVID-19

Tính đến 7 giờ 30 ngày 31/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 17.453.208 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 675.760 ca tử vong.
Thế giới chuẩn bị chạm mốc 17,5 triệu ca nhiễm COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ 30 ngày 31/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 17.453.208 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 675.760 ca tử vong do COVID-19.

Số bệnh nhân bình phục là 10.925.063 người.

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với 4.634.577 ca nhiễm và 155.284 ca tử vong.

Tại Mỹ, bang Florida đã ghi nhận thêm 253 ca tử vong trong ngày 30/7, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 6.586 ca. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất của bang này.

Tại Brazil, chính phủ ngày 30/7 thông báo Đệ nhất Phu nhân nước này, bà Michelle Bolsonaro, đã dương tính với virus SARS-CoV-2.

[Đệ nhất phu nhân Brazil dương tính với virus SARS-CoV-2]

Thông báo trên được đưa ra 5 ngày sau khi chồng bà, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết đã khỏi bệnh và trở lại làm việc bình thường sau 2 tuần cách ly.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận thêm 57.837 ca nhiễm và 1.129 ca tử vong do COVID-19.

Brazil hiện đang là quốc gia đứng thứ 2 thế giới cả về số ca mắc và tử vong do COVID-19, chỉ sau Mỹ, với hơn 2,6 triệu ca mắc và 91.263 ca tử vong.

Tại Mexico, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 7.730 ca nhiễm mới và 639 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 416.179 ca và 46.000 ca.

Tại châu Á, trong ngày 30/7, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 127 ca nhiễm mới , trong đó có 123 ca lây nhiễm trong nước. Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có 112 ca tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, 11 ca tại tỉnh Liêu Ninh.

Thế giới chuẩn bị chạm mốc 17,5 triệu ca nhiễm COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không có thêm ca tử vong nào được ghi nhận trong ngày 30/7. Trung Quốc hiện có tổng cộng 84.292 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong do COVID-19.

Tại châu Phi, ngày 30/7 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận tổng cộng hơn 891.199 ca nhiễm và 18.884 ca tử vong do COVID-19. Tổng số bệnh nhận được chữa khỏi là 540.872 người.

Làn sóng dịch bệnh tại châu Phi đang gia tăng mạnh mẽ sau khi nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế và giới nghiêm, trong đó có Algeria, Maroc, Kenya, Senegal, Côte d’Ivoire...

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại châu Phi, với tổng cộng 471.123 ca nhiễm và 7.497 ca tử vong.

Tiếp theo là các quốc gia như Ai Cập, Nigeria, Ghana, Algeria, Maroc... Hiện có 34 quốc gia vẫn còn đang áp dụng "đóng cửa biên giới toàn phần" trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Tại Zimbabwe, nguồn tin chính phủ cho biết vào ngày 30/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Perrance Shiri đã tử vong do COVID-19. Theo thống kê, Zimbabwe hiện có tổng cộng 2.879 ca nhiễm, trong đó có 41 ca tử vong do COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, các trường công lập ở thủ đô Washington D.C của Mỹ sẽ mở cửa vào mùa Thu này với việc học trực tuyến trên máy tính toàn thời gian, khi các quan chức chính quyền thành phố đã phải từ bỏ kế hoạch ban đầu về việc kết hợp giữa việc học tập từ xa và trực tiếp.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông báo trên được Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowser đưa ra ngày 30/7, trong bối cảnh một số khu vực ở phía Bắc bang Virginia và miền Nam bang Maryland đã đưa ra quyết định tương tự.

Ban đầu, bà Bowser đã lên kế hoạch sử dụng mô hình kết hợp luân phiên với việc hầu hết các học sinh sẽ lên lớp 2 ngày/tuần. Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh, một thông báo dự kiến vào giữa tháng 7 về kế hoạch này đã bị trì hoãn chỉ vài phút trước cuộc họp báo.

Paul Kihn, một quan chức giáo dục của thủ đô cho biết chính quyền rất ưu tiên cho vấn đề sức khỏe và sự an toàn của người dân.

Theo bà Bowser, quyết định này được đưa ra dựa trên sự kết hợp các số liệu về đại dịch COVID-19, mối quan tâm của phụ huynh và sự phản đối của công đoàn giáo viên về việc mở lại các tòa nhà ở các trường công.

Trên trang mạng xã hội Twitter, Liên đoàn giáo viên của Washington D.C cho biết giáo viên của thành phố này sẵn sàng quay lại việc học tập trực tiếp, nếu các vấn đề về sức khỏe và an toàn được giải quyết nhằm đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh và cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh cam kết đảm bảo việc học tập trực tuyến cho học sinh.

Mô hình học tập từ xa sẽ được áp dụng cho toàn bộ học kỳ đầu tiên, dự kiến kết thúc vào ngày 6/11 tới. Bà Bowser cho biết họ vẫn hy vọng chuyển sang mô hình kết hợp luân phiên cho học kỳ thứ hai, bắt đầu từ ngày 9/11.

Bà Bowser đã triển khai một số bước đi chưa từng có để đối phó với diễn biến đại dịch, bao gồm yêu cầu sử dụng khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời đối với hầu hết người dân và tuyên bố rằng bất kỳ ai đến thăm hoặc quay trở lại thủ đô từ một khu vực được coi là "điểm nóng" đại dịch COVID-19 sẽ phải cách ly trong 2 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục