Thế giới có hơn 370 triệu ca mắc COVID-19, châu Âu bị ảnh hưởng nhất

Trong 24 giờ qua thế giới đã ghi nhận hơn 3,4 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 370.183.042 ca, trong đó có 5.667.377 ca tử vong.
Thế giới có hơn 370 triệu ca mắc COVID-19, châu Âu bị ảnh hưởng nhất ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h30 ngày 29/1 (theo giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua thế giới đã ghi nhận hơn 3,4 triệu ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 370.183.042 ca, trong đó có 5.667.377 ca tử vong.

Số ca bình phục là 292.312.963 ca. Hiện có 95.037 ca trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với hơn 75,26 triệu ca nhiễm và hơn 905.600 ca tử vong.

Chính phủ Mỹ cho biết khoảng 60 triệu hộ gia đình ở nước này đã đăng ký nhận bộ xét nghiệm COVID-19 chỉ sau hơn một tuần chính quyền mở trang web cung cấp miễn phí cho người dân.

Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai, với hơn 40,85 triệu ca, trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 625.948 ca. Đặc biệt, sau sự xuất hiện của biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 mới tại Brazil liên tục tăng mạnh, tạo ra một làn sóng dịch mới kể từ hồi tháng 12/2021 đến nay.

Ngày 28/1, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục trong ngày với 269.968 trường hợp, tăng hơn 40.000 ca so với một ngày trước đó. Hiện số ca mắc tại Brazil là hơn 25 triệu ca, cao thứ 3 thế giới.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 122.300.454 ca nhiễm, trong đó có 1.609.815 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 98,4 triệu ca nhiễm và 1.286.703 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 88 triệu ca nhiễm, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 47,7 triệu ca. Số ca nhiễm tại châu Phi hiện đã hơn 10,9 triệu ca, trong khi châu Đại Dương ghi nhận hơn 2,6 triệu ca nhiễm.

Biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở châu Âu, khiến số ca mắc COVID-19 trong khu vực tăng vọt. Pháp dẫn đầu khu vực với 353.503 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 18.476.227 ca.

[Biến thể Omicron chiếm gần 96% số ca mắc COVID-19 tại Italy]

Đức ghi nhận 189.464 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 9.524.101 ca. Italy cũng ghi nhận thêm 143.898 ca mắc mới, Tây Ban Nha có thêm 118.922 ca. Anh báo cáo 89.176 ca mắc mới và thêm 277 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 16.333.980 ca và 155.317 ca.

Tại Bỉ, phòng thí nghiệm của bệnh viện Jessa ở thành phố Hasselt, thuộc vùng Flanders nói tiếng Hà Lan của Bỉ, đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm dòng BA.3 của biến thể Omicron trên lãnh thổ nước này. Cụ thể, phòng thí nghiệm trên đã phát hiện 1 ca nhiễm dòng BA.3 và 9 ca nhiễm dòng BA.2. Hiện Bỉ chưa có thêm các dữ liệu về dòng BA.3 này song theo dữ liệu ở Đan Mạch, BA.3 có nguy cơ nhập viện đương tương BA.1 nhưng chiếm ưu thế hơn và khó phát hiện hơn khi sử dụng các xét nghiệm PCR.

Liên quan tới vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Văn phòng Bộ trưởng Y tế liên bang Bỉ cho biết đã đặt hàng hơn 3,8 triệu liều vaccine Pfizer đặc hiệu với biến thể Omicron, vốn đã được Pfizer-BioNTech bắt đầu thử nghiệm trong tuần này.

Thế giới có hơn 370 triệu ca mắc COVID-19, châu Âu bị ảnh hưởng nhất ảnh 2nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Netanya, Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Bộ Y tế Israel thông báo đã ký thỏa thuận với công ty Novavax của Mỹ về việc đặt mua 5 triệu liều vaccine nhằm đa dạng hóa nguồn lực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Thỏa thuận trên cần được cơ quan thẩm quyền của Israel phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Dự kiến, các lô hàng đầu tiên sẽ được bàn giao trong những tháng sắp tới, cộng thêm quyền chọn mua 5 triệu liều nữa nếu cần thiết.

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển một loại vaccine có thể chống nhiều loại biến thể của virus này.

Giới chuyên gia cho rằng việc phát triển được loại vaccine này có thể mở đường cho việc tạo ra một loại vaccine phổ quát - có thể đánh bại chủng virus corona, không chỉ ngăn chặn sự tấn công của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, mà còn một số bệnh cảm lạnh thông thường.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cho rằng phải mất vài năm để phát triển các loại vaccine như vậy.

Chủng virus corona được phát hiện lây nhiễm ở người lần đầu tiên vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước.

Đến nay, giới khoa học ghi nhận có 7 chủng virus corona lây nhiễm ở người gồm 4 chủng gây bệnh cảm lạnh thông thường, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2020, đã có 5 biến thể của virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách các biến thể gây quan ngại gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và hiện là Omicron./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục