Thế giới ghi nhận hơn 201 triệu ca mắc COVID, gần 4,3 triệu ca tử vong

Tại Mỹ, Nhà Trắng cho biết một nửa số ca dương tính và nhập viện mới của Mỹ trong tuần qua là ở bảy bang có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất.
Thế giới ghi nhận hơn 201 triệu ca mắc COVID, gần 4,3 triệu ca tử vong ảnh 1Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Boston, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 6/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 201.638.806 ca mắc COVID-19 và 4.279.340 ca tử vong. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là hơn 181,4 triệu ca.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, với 36.298.087 ca mắc và 631.860 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 31.855.783 ca mắc và 426.785 ca tử vong; Brazil với 20.066.587 ca mắc và 560.801 ca tử vong.

Tại Mỹ, Nhà Trắng cho biết một nửa số ca dương tính và nhập viện mới của Mỹ trong tuần qua là ở bảy bang có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất.

Theo Điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, các bang nói trên gồm Florida, Texas, Missouri, Arkansas, Louisiana, Alabama, và Mississippi. Trong số các bang này, bang Florida và bang Texas chiếm khoảng 1/3 số ca dương tính mới và tỷ lệ nhập viện thậm chí còn cao hơn tỷ lệ tương ứng trên quy mô toàn quốc.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tại với sự lây lan mạnh của biến thể Delta, chính quyền tỉnh Quebec đông dân thứ hai ở Canada thông báo sẽ áp dụng hệ thống "hộ chiếu vaccine."

Thông báo trên được đưa ra sau khi các quan chức y tế báo cáo 305 ca mới mắc COVID-19 trong tỉnh. Giới chức tỉnh nhận định dường như làn sóng lây nhiễm thứ tư của dịch bệnh đang bắt đầu tại Quebec, với dự báo của các chuyên gia y tế rằng số ca mắc mới, cũng như số ca nhập viện và tử vong sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.

Thế giới ghi nhận hơn 201 triệu ca mắc COVID, gần 4,3 triệu ca tử vong ảnh 2Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông đã yêu cầu Thư ký Hội đồng Cơ mật xem xét việc áp dụng tiêm chủng bắt buộc vaccine phòng COVID-19 đối với các nhân viên liên bang. Thủ tướng cũng cho biết chính phủ đang cân nhắc việc bắt buộc tiêm vaccine trong các ngành do liên bang quản lý, chẳng hạn như ngành hàng không, ngân hàng và đường sắt.

Tại châu Âu, Chính phủ Italy đã mở rộng yêu cầu thẻ xanh đối với tất cả giáo viên, sinh viên đại học và những người sử dụng các phương tiện giao thông đường dài từ ngày 1/9.

Kể từ ngày 1/9, chỉ những người có thẻ xanh mới được sử dụng các phương tiện giao thông đường dài như hàng không, đường sắt, xe buýt, tàu thủy và phà trên các tuyến liên vùng, trừ Eo biển Messina. Lệnh này tạm thời được áp dụng đến ngày 31/12, khi tình trạng khẩn cấp COVID-19 dự kiến hết hạn. Trong khi đó, các giáo viên sẽ không được phép đến lớp học nếu không có thẻ xanh và sau năm ngày vắng mặt, họ sẽ không còn được trả lương.

[Nhiều nước siết chặt biện pháp mạnh, người dân vội vã đi tiêm chủng]

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhấn mạnh rằng "lựa chọn của chính phủ là đầu tư vào thẻ xanh càng nhiều càng tốt để tránh đóng cửa và bảo vệ tự do."

"Thẻ xanh" tại Italy được cấp cho những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 được thực hiện trong 48 giờ trước đó, và có hiệu lực sáu tháng với các trường hợp phục hồi sau điều trị COVID-19.

Tính đến ngày 4/8, khoảng 65% người dân Italy đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó 54% đã được tiêm đủ liều, bằng mức của hầu hết các nước châu Âu.

Tại châu Á, Nepal trong 24 giờ qua ghi nhận 3.007 ca mới mắc COVID-19, mức trong ngày cao nhất trong một tháng rưỡi qua, được các chuyên gia cho là hậu quả của việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nepal trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 37 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 9.994 ca trong số 708.079 ca mắc.

Trong khi đó, hãng dược Moderna của Mỹ đề xuất những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng nên tiêm mũi bổ trợ thứ ba vào mùa Thu tới để đảm bảo chống được các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Hãng nhấn mạnh vaccine của Moderna hiện vẫn duy trì tính hiệu quả ngừa COVID-19 lên tới 90% trong ít nhất sáu tháng nhưng sau sáu tháng khả năng đề kháng của vaccine sẽ yếu đi, nhất là trong việc đối phó với các biến thể mới, bao gồm biến thể Delta hiện đang lây lan nhanh. Theo kết quả nghiên cứu giai đoạn hai của hãng Moderna, mũi bổ trợ thứ ba sẽ giúp người tiêm có được kháng thể mạnh để chống lại các loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Theo số liệu chính thức của Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện khoảng 165 triệu người dân sinh sống ở nước này đã tiêm đủ hai mũi (hoặc một mũi duy nhất của Johnson & Johnson), trong đó khoảng 64 triệu người được tiêm vaccine của Moderna./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục