Thị trường ôtô 2017: Ngóng thuế giảm, DN và người dùng cùng thất bát

Khép lại 2017, chẳng những không tăng trưởng như VAMA dự báo, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô Việt Nam cũng thua 2016. Cùng đó diễn biến thị trường 2018 chưa có tín hiệu báo sự khởi sắc.
Thị trường ôtô 2017: Ngóng thuế giảm, DN và người dùng cùng thất bát ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngày 10/1, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô tháng 12/2017 đạt 27.882 xe, tăng 13% so với tháng 11.

Trong tổng doanh số bán hàng trên, có 14.621 xe du lịch, tăng 14%; 11.889 xe thương mại, tăng 13% và 1.372 xe chuyên dụng, giảm 6% so với tháng trước.

Dự báo ngược

Xét về xuất xứ xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước trong tháng qua đạt 20.047 xe, tăng 13% so với tháng trước trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.835 xe, tăng 11%.

Cũng tính đến hết tháng 12/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 194.960 xe, giảm 19% trong khi xe nhập khẩu đạt 77.790 xe, tăng 9% so với trước.

Tính chung doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô năm 2017 đạt 272.750 xe, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó phân khúc xe du lịch giảm 15%, phân khúc xe thương mại giảm 2% và xe chuyên dụng giảm 12% so với năm 2016.

[Tâm lý giảm thuế nhập khẩu "đè nặng" thị trường ôtô Việt]

Với kết quả trên, doanh số bán hàng toàn thị trường ôtô năm 2017 không bằng con số 304.427 được tiêu thụ trong năm 2016- con số đem lại mức tăng trưởng 24% so với 2015, đồng thời xác lập kỷ lục doanh số mới trong 20 năm trở về trước. 

Kết quả này cũng đã đi ngược lại dự báo của VAMA cho rằng tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô Việt Nam năm 2017 sẽ tăng trưởng ít nhất 10% so với năm 2016.

Hóng giảm thuế xa, thờ ơ với " bão giảm giá'' gần

Diễn biến thị trường ôtô năm qua cho thấy sở dĩ sức mua giảm hẳn là do thông tin thuế suất thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN giảm từ mức 30% năm 2017 về 0% từ đầu năm 2018 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Từ khoảng nửa cuối năm 2017, người tiêu dùng có tâm lý chờ đến đầu năm 2018 mới quyết định mua xe với hy vọng giá xe sẽ rẻ hơn mức hiện hành do giảm theo thuế.

Điều này thể hiện qua báo cáo bán hàng của các doanh nghiệp và của VAMA công bố hàng tháng với doanh số bán hàng liên tiếp giảm, tháng sau giảm hơn tháng trước.

Mặc dù để kích cầu, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước cũng như các hãng xe phân phối tại Việt Nam liên tiếp thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá bán xe. Mức giảm có lúc và có chủng loại lên tới hàng trăm triệu đồng.

Thị trường ôtô 2017: Ngóng thuế giảm, DN và người dùng cùng thất bát ảnh 2Sản xuất ôtô tại nhà máy ôtô Ford Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ở những tháng cuối năm 2017 các đợt giảm giá càng diễn ra mạnh hơn, bao trùm toàn thị trường ôtô Việt Nam. Thậm chí có những doanh nghiệp giảm giá bán xe trước cả lộ trình giảm thuế về 0%.

Thế nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn thờ ơ với những cơn “bão giảm giá" đang diễn ra ngay cạnh mình để nuôi giấc mơ giá xe sẽ giảm "chạm đáy" khi mức thuế mới được áp dụng.

Tâm lý chờ mua xe nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ giảm theo thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN từ đầu năm 2018 khiến thị trường xe ôtô không thể bứt phá suốt nhiều tháng.

Giữa tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2017 NĐ-CP siết chặt điều kiện sản xuất, kinh doanh xe ôtô và có hiệu lực luôn trong ngày.

Theo Nghị định này, ngoài yêu cầu các thủ tục giấy tờ khắt khe, mỗi lô xe nhập về phải lấy mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại để thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Thời gian thử nghiệm này kéo dài khoảng 2 tháng với chi phí không dưới 100 triệu đồng mỗi xe cũng đã đẩy giá xe tăng lên.

Ngoài ra, với yêu cầu của Nghị định 116, đơn vị nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp trong khi hầu hết các nước chỉ chứng nhận cho xe nội địa khiến cho các mẫu xe sẽ khó nhập về Việt Nam hơn trước rất nhiều. 

Tiếp đó, ngày 16/11/2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong đó, Nghị định đề cập đến thuế nhập khẩu xe ôtô đã qua sử dụng từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh không quá 1.0L áp dụng mức thuế tuyệt đối 10.000 USD/xe.

Với xe có dung tích trên 1.0L đến dưới 2.5L, mức tính thuế hỗn hợp được tính cả giá tính thuế của ôtô đã qua sử dụng nhân mức áp thuế từ 150-200% và cộng thêm 10.000 USD/xe.

Như vậy, với Nghị định được áp dụng từ ngày 1/1/2018 này, mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp áp dụng với ôtô cũ nhập khẩu sẽ tăng thêm hàng nghìn USD khiến nhiều doanh nghiệp bỏ "công cuộc" đưa xe cũ về Việt Nam.

Có thể nói rằng, hai Nghị định nói trên đã khóa trái “cánh cửa” cho cả xe ôtô mới lẫn ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam.

Chưa thấy tín hiệu khởi sắc

Những diễn biến thị trường kéo dài từ nửa cuối 2017 cho đến tháng đầu năm 2018 hầu như không có chuyển biến, cho dù đây là giai đoạn giáp Tết Nguyên đán luôn được coi là "thời điểm vàng" của thị trường ôtô.   

Các doanh nghiệp nhập xe tỏ ra rất thận trọng bởi ngoài các điều kiện kinh doanh được quy định rất chặt chẽ, thì còn một yêu cầu quan trọng là xe được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% (nhập về từ ASEAN) phải đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối là 40%.

Loại xe đạt tỷ lệ này hầu hết là phải được sản xuất trong nước, mẫu mã không nhiều, sức mua vì thế khó có thể lớn.

Điều này thể hiện ở việc mặc dù tại triển lãm ôtô Việt Nam 2017, các doanh nghiệp giới thiệu các mẫu xe giá rẻ nhập khẩu nguyên chiếc như Honda Jazz, Toyota Wigo, Suzuki Celerio đã hứa hẹn sẽ phân phối sản phẩm tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2018, nhưng giờ vẫn “án binh bất động!”

Theo giới chuyên doanh, thị trường xe ôtô năm 2018 chỉ có thể giảm giá ở những mẫu xe lắp ráp trong nước được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi 0% và giảm theo thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe có dung tích động cơ từ 2.0 trở xuống giảm 5%.

Tại lĩnh vực này, Thaco, Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam... cũng đã có dấu hiệu giảm giá bán xe một số mẫu xe lắp ráp trong nước theo mức thuế nêu trên. Tuy nhiên, mức giảm là không nhiều, chính xác hơn là rất xa so với những đợt “bão giảm giá” của năm 2017 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục