Thiệt hại kinh tế do thiên tai có thể chiếm 50% tăng trưởng GDP của Mỹ

Hàng loạt các cơn bão lớn cũng như các đợt hạn hán và cháy rừng tại Mỹ có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới ít nhất 360 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới.
Thiệt hại kinh tế do thiên tai có thể chiếm 50% tăng trưởng GDP của Mỹ ảnh 1Cảnh tàn phá sau cơn bão Irma tại Ramrod Key, Florida. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hàng loạt các cơn bão lớn cũng như các đợt hạn hán và cháy rừng tại Mỹ có thể gây thiệt hại kinh tế lên tới ít nhất 360 tỷ USD/năm trong thập kỷ tới, tương đương khoảng 1/2 mức tăng thêm hàng năm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Đây là nhận định được đưa ra trong một báo cáo do Quỹ Sinh thái học toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, công bố ngày 27/9.

Trong bản báo cáo, các tác giả đã đề cập đến hai loại phí tổn, gồm thiệt hại kinh tế do hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan - vốn chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, và chi phí y tế do ô nhiễm không khí - hậu quả của việc khai thác nhiên liệu hóa thạch - gây ra. Theo đó, ước tính tổng thiệt hại do hai nguyên nhân trên vào khoảng 240 tỷ USD trong năm 2017, tương đương 40% mức tăng trưởng hiện tại của nền kinh tế Mỹ.

Con số này còn chưa bao gồm những thiệt hại mà nước Mỹ phải hứng chịu do hai siêu bão Harvey và Irma gây ra hồi tháng Tám và Chín vừa qua. Báo cáo dự đoán trong thập kỷ tới, những thiệt hại kinh tế và phí tổn y tế có thể tăng lên ít nhất 360 tỷ USD hàng năm, tương đương 55% mức tăng thêm GDP hàng năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

[Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ có nguy cơ 'tan tành' vì bão tố]

Báo cáo nhận định mức thiệt hại kinh tế leo thang chủ yếu do việc tiếp tục sử dụng nguyên liệu hóa thạch khiến tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ hơn, kéo theo hệ lụy là một số hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên và diễn biến phức tạp hơn. Do đó, các tác giả báo cáo khuyến nghị Mỹ cần sớm chấm dứt sử dụng các nhiên liệu hóa thách và hướng tới nguồn năng lượng tái tạo, mang lại lợi ích cho môi trường, trong bối cảnh 80% năng lượng được sản xuất và sử dụng tại Mỹ đều từ các nhiên liệu hóa thạch.

Đồng tác giả nghiên cứu James McCarthy, giáo sư hải dương học đến từ Đại học Harvard, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như những tổn thất kinh tế sẽ tiếp tục tăng nếu Mỹ không nỗ lực giảm thiểu lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo về hậu quả của một loạt siêu bão mới càn quét nước Mỹ vừa qua đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới. Mặc dù tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 2 vừa qua đạt 3% như dự kiến, song ông Trump bày tỏ lo ngại các siêu bão trên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong quý 3. Trước đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng cảnh báo những tác động của ba cơn bão lớn vừa qua, gồm Harvey, Irma và Maria, có thể ảnh hưởng đến các dự báo kinh tế trong ngắn hạn.

Trước đó, trong phát biểu tại kỳ họp cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 72, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết Mỹ là một trong năm quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhất thế giới kể từ năm 1995. Theo ông, năm nước gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Indonesia đã hứng chịu hơn 1.600 thiên tai trong hơn hai thập kỷ qua, tức cứ năm ngày thì xảy ra một thảm họa.

Nếu tính trên toàn thế giới thì số lượng thiên tai đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1970. Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc tái khẳng định biến đổi khí hậu là có thật và những hiện tượng thời tiết cực đoan như các siêu bão Irma và Maria đang trở thành "điều bình thường mới của một thế giới ấm dần lên." Ông đồng thời hối thúc các nước thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để cứu vãn tình hình hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục