Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1: Lệnh đình chiến

Mặc dù thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 được nồng nhiệt chào đón nhưng nó chỉ mang tới “thời kỳ đình chiến” tương đối ngắn ngủi trong căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Trump.
Thế đối đầu Mỹ-Trung vẫn còn nhiều bế tắc trong năm 2020. (Ảnh: FT)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang làm công tác chuẩn bị cuối cùng để ký kết thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1.

Mặc dù thỏa thuận này được nồng nhiệt chào đón nhưng nó có thể chỉ mang tới “thời kỳ đình chiến” tương đối ngắn ngủi trong căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Trump.

Lý do thỏa thuận này được hoàn tất đàm phán cuối năm ngoái, bất chấp các bất đồng song phương gần đây về một loạt vấn đề bao gồm Iran và Hong Kong, đó là cả hai bên đều quyết định rằng một lệnh đình chiến, tuy chỉ mang tính tạm thời, vẫn nằm trong lợi ích nội bộ của họ.

Trong lúc Trump bước vào năm bầu cử, ông sẽ tuyên bố rằng ông đã khiến Bắc Kinh đầu hàng - dù thực tế vẫn khác xa.

Trong khi đó, thỏa thuận này mang lại sự ổn định trong quan hệ kinh tế song phương quan trọng nhất của Trung Quốc sau khi xuất hiện những số liệu kinh tế trung bình trong thời gian gần đây và cuộc bạo động chính trị tại Hong Kong vẫn đang tiếp diễn.

Một tín hiệu khác khích lệ hai bên đàm phán nhanh chóng trong tháng trước đó là thời hạn áp thuế tiếp theo rơi vào ngày 15/12, sau đó các lệnh trừng phạt thuế bổ sung của Mỹ đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ có hiệu lực.

Mặc dù thỏa thuận này có thể có tác động tích cực, bao trùm hơn đối với các mối quan hệ quốc tế, thậm chí vạch ra nền tảng mới cho quan hệ song phương trong thập niên 2020, nhưng nó cũng có thể báo hiệu sự căng thẳng song phương gia tăng hơn nữa trong năm 2020 và thậm chí sau đó.

Thỏa thuận “vĩ đại” mà Trump ca ngợi không thực sự mang tính thực chất như ông tuyên bố rằng ông sẽ đạt được khi đàm phán bắt đầu, và điều này reo giắc mầm mống cho các vấn đề trong tương lai.

[Giới chuyên gia đánh giá về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung]

Lấy ví dụ, bất đồng có thể sẽ nảy sinh liên quan đến các nội dung chính của thỏa thuận sắp tới, bao gồm quy mô của các thương vụ thu mua nông sản Mỹ của Trung Quốc.

Điều này đồng nghĩa rằng các nguyên tắc về việc thực thi thỏa thuận sẽ cần được đàm phán và nếu nó “thất bại,” đội ngũ của Trump nhấn mạnh rằng Washington sẽ áp thuế trở lại với Bắc Kinh.

Hơn nữa, hai bên nhận thức rõ về sự khó khăn trong việc nhất trí về các nội dung trong thỏa thuận giai đoạn 1, và rằng thỏa thuận giai đoạn 2 vốn tập trung vào các vấn đề từ lâu không được đề cập trong các cuộc đàm phán từ trước đến nay, bao gồm các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp của Trung Quốc cho các doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ, sẽ khó khăn hơn nữa.

Lý do gây ra sự sụp đổ đàm phán trong giai đoạn tiếp theo chỉ đơn giản là do các diễn biến hiện nay. Lấy ví dụ, hai bên vẫn bất đồng trong vấn đề Hong Kong, nơi bạo động vẫn tiếp tục trong dịp năm mới.

Tháng 11/2018, Trump ký thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, vốn được Quốc hội thông qua trước đó. Đạo luật này- bị Trung Quốc coi là “sự can thiệp” vào công việc nội bộ - sẽ yêu cầu Mỹ hàng năm phải kiểm chứng xem liệu Hong Kong có đủ quyền tự trị chính trị để hưởng ưu đãi thương mại của Mỹ hay không, điều thúc đẩy vị thế trung tâm tài chính thế giới của Hong Kong. Đạo luật này tạo ra một cơ chế thường niên mà có thể làm căng thẳng gia tăng trong tương lai.

Một nhân tố khác làm gia tăng bất ổn chính là vị tổng thống bốc đồng Donald Trump và các quan điểm hay thay đổi của ông về lợi ích chính trị trong năm 2020 và sau đó trong bối cảnh ông đang tìm cách thực thi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên.”

Có khả năng ít nhất trong năm 2020, Tổng thống Trump có thể muốn đưa quan hệ Mỹ-Trung vào giai đoạn ổn định hơn, đặc biệt trong lúc căng thẳng của Mỹ với Iran và Triều Tiên - hai đồng minh của Bắc Kinh - gia tăng.

Tuy nhiên, như đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh “liệu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có hiệu quả hay không sẽ được xác định bởi những người ra quyết định tại Trung Quốc, chứ không phải Mỹ.”

Điều này nhấn mạnh rằng, ngay cả khi thỏa thuận giai đoạn 1 đang rõ ràng trong tầm tay, các căng thẳng chắc chắn sẽ không biến mất và vẫn còn khả năng cản trở đến cái được cho là quan hệ chính trị và kinh tế song phương quan trọng nhất thế giới.

Lấy ví dụ, nếu các cuộc đàm phán giai đoạn 2 không đem lại kết quả trong năm đầu tiên hay thứ 2 của nhiệm kỳ tổng thống mới của Trump, Bắc Kinh sẽ biết rõ rằng vẫn có khả năng những lời lẽ lớn tiếng của Trump sẽ trở nên thù địch hơn nữa.

Trump trước đó đã nhấn mạnh rằng “tất cả vẫn đang được đàm phán” và điều mà ông ủng hộ đó là một thỏa thuận lớn với Trung Quốc bên ngoài lĩnh vực kinh tế - trong đó ông yêu cầu Trung Quốc thả nổi tiền tệ - cho tới các vấn đề an ninh khác.

Mặc dù thỏa thuận lớn như vậy có thể không bao giờ đạt được, nhưng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ mang đến sự ổn định lớn hơn cho nền kinh tế thế giới và hạn chế tổn hại tới hệ thống thương mại quốc tế.

Nó cũng sẽ cho thấy đường hướng quan hệ song phương của Mỹ với Bắc Kinh không nhất thiết là nguồn cơn gây ra căng thẳng toàn cầu, mà vẫn có khả năng trở thành quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn, giúp thúc đẩy thời đại tăng trưởng và ổn định toàn cầu mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục