Theo đặc phái viên TTXVN, tối 29/11 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp để tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21).
Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn; các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện Ban tổ chức Hội nghị COP 21.
Hội nghị COP 21 là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015. Dự kiến sẽ có khoảng 40.000 đại biểu từ khắp các nơi trên thế giới tới tham dự.
Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.
Phiên họp cấp cao dành cho các nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày đầu tiên của Hội nghị COP 21 (ngày 30/11).
Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chù trì phiên khai mạc hội nghị. Tham gia phát biểu tại phiên khai mạc còn có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch COP 20-Peru và Chủ tịch COP 21-Pháp.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn tham dự Hội nghị COP 21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Cộng hòa Pháp lần này, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cũng sẽ có các buổi làm việc với một số bộ, ngành, địa phương của Pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp; đặc biệt nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2013, hai bên đã ký Tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước lên tầm Đối tác chiến lược, đây là cơ sở đưa quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp. Hiện Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan và Italy). Trao đổi thương mại hai chiều giữa 2 bên năm 2014 đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2013.
Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, tính đến tháng 6/2015, Pháp đứng thứ 2 trong số các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 430 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,38 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, y tế, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, hợp tác địa phương (hợp tác phi tập trung),… giữa Việt Nam và Pháp thời gian qua cũng có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ngay khi đến thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hoa tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Montreuil./.