Thụy Sĩ khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực

Thụy Sĩ coi trọng quan hệ với ASEAN và mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN trên ba cả trụ cột, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư.
Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)
Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Ngày 29/11, cuộc họp lần thứ tư Ủy ban Hợp tác chung theo lĩnh vực ASEAN-Thụy Sĩ (AS-JSCC) đã diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại ASEAN Trần Đức Bình đã tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về tình hình của mỗi bên, kiểm điểm hợp tác trong thời gian qua, đặc biệt là tình hình triển khai Danh mục Các ưu tiên hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối thoại theo lĩnh vực ASEAN-Thụy Sĩ giai đoạn 2017-2018 và việc thực hiện “Kế hoạch Hành động đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN-Thụy Sĩ: Các lĩnh vực hợp tác thực tế giai đoạn 2017-2021 (CPA 2017-2021)."

Trong các năm 2018 và 2019, Thụy Sĩ đã tài trợ hơn 9 triệu Franc Thụy Sĩ (hơn 9 triệu USD) để triển khai 22 dự án chung ASEAN-Thụy Sĩ.

Phía Thụy Sĩ khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đồng thời mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN trên ba cả trụ cột, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư; hoan nghênh việc ASEAN thông qua Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ủng hộ gắn kết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến 2030 và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế.

Thụy Sĩ cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, đồng thời hoan nghênh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

[ASEAN-Hàn Quốc: Nỗ lực vì thịnh vượng chung qua thương mại tự do]

Về vấn đề Biển Đông, phía Thụy Sĩ nhấn mạnh các nguyên tắc ứng xử dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng thời khẩn trương thực hiện các dòng hành động còn lại của CPA 2017-2021, nhất là trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kinh tế số, hợp tác về an ninh mạng, tăng cường kết nối, thực hiện Sáng kiến Hội nhập IAI về thu hẹp khoảng cách phát triển, Sáng kiến Mạng lưới thành phố thông minh (ASCN), hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), hợp tác về giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (TVET), du lịch, các vấn đề về môi trường, quản lý thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Thụy Sĩ trở thành đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN từ tháng 7/2016. Tại cuộc họp AS-JSCC lần thứ nhất, hai bên đã thống nhất Danh mục Các lĩnh vực ưu tiên giai đoạn 2017-2018.

Cuộc họp AS-JSCC lần thứ hai đã nhất trí thông qua Các lĩnh vực hợp tác thực tế ASEAN-Thụy Sĩ giai đoạn 2017-2021 - văn bản định hướng quan hệ đối tác đối thoại theo lĩnh vực ASEAN-Thụy Sĩ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục