Ngày 26/11, ngay sau khi kết thúc hội đàm tại thành phố Bern (Thụy Sĩ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống nước chủ nhà Guy Parmelin đã có buổi họp báo, công bố kết quả cuộc hội đàm.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định hai nước nhất trí sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Tổng thống Thụy Sĩ mong muốn ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam tương tự như Việt Nam đã ký với Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin khẳng định chuyến thăm này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là dấu ấn phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Tổng thống cho biết trong quan hệ của Thụy Sĩ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 sau Singapore và Thái Lan. Việt Nam cũng là nước ưu tiên trong chính sách hợp tác kinh tế của Thụy Sĩ.
Ông nêu rõ mục tiêu trong chương trình hỗ trợ của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ là giúp kinh tế Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững hơn nữa.
Tổng thống Parmelin cho biết hai bên còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng tăng trưởng, việc ký kết một FTA song phương chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. Hai bên cũng đã thảo luận để thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EFTA sớm nhất.
[Việt Nam-Thụy Sĩ thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực]
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai nhà lãnh đạo nhận thấy hợp tác hai nước tuy có sự phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thực tế, đồng thời khẳng định hai bên ủng hộ mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất trí sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Việt Nam-EFTA.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác ưu tiên về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các dự án nghiên cứu chung trong khuôn khổ Nghị định thư giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Ủy ban Nhà nước về các vấn đề giáo dục, nghiên cứu đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ.
Trả lời phỏng vấn báo chí về việc hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là một chiến lược của Việt Nam đến năm 2030 cùng với chuyển đổi nền kinh tế số.
Vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xếp hạng Việt Nam tăng 15 bậc, lên thứ 44 trong số 131 nền kinh tế được đáng giá. Thụy Sĩ là nước đứng hàng đầu về đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, Việt Nam rất hoan nghênh việc hai nước, doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sĩ Parmelin đã thống nhất nâng Ý định thư năm 2019 về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ hai nước lên thành một Nghị định thư về đổi mới sáng tạo. Việt Nam hoan nghênh các công ty Thụy Sĩ hợp tác với Việt Nam về đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Về câu hỏi của phóng viên đối với việc thúc đẩy hợp tác thương mại hai nước, Tổng thống Thụy Sĩ khẳng định nước này mong muốn ký kết một FTA tương tự như Việt Nam đã ký với EU, qua đó giúp loại bỏ các rào cản lưu thông hàng hóa giữa hai nước. Ông cũng cho biết một ưu tiên khác nữa là việc xây dựng được một khuôn khổ pháp luật thuận lợi, thực thi hiệu quả sở hữu trí tuệ. Đây là các yếu tố sẽ thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư của Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam.
Đối với đàm phán EFTA và Việt Nam, Tổng thống Thụy Sĩ cho biết đã thống nhất với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ này cho các trưởng đoàn đàm phán của cả hai phía để thúc đẩy tiến trình nhanh hơn./.