Tiền Giang: Khắc phục khó khăn, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng

HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX tổ chức Kỳ họp thứ 12 để bàn các giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm, thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng năm 2020.
Tiền Giang: Khắc phục khó khăn, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ảnh 1Quang cảnh kỳ họp. (Nguồn: tiengiang.gov.vn)

Trong 3 ngày từ 8-10/7, Hội đồng Nhân tỉnh Tiền Giang khóa IX tổ chức Kỳ họp thứ 12 nhằm bàn các giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm sau COVID-19, thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, trong 6 tháng đầu năm nay, Tiền Giang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19; hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực, nhất là sản xuất và đời sống, sinh hoạt, an sinh xã hội tại địa phương. Để khắc phục tình trạng này cần có sự nỗ lực khắc phục của cả hệ thống chính trị và sự chung sức của mọi tầng lớp nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Danh cho rằng để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế sau thiên tai và dịch bệnh, tỉnh Tiền Giang phải thực hiện những giải pháp cấp bách, đồng bộ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; mở mang công nghiệp-xây dựng và phát triển đô thị; đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể…

Trước mắt, giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tiến hành đánh giá và hướng dẫn nông dân vùng thiên tai quy trình khôi phục vườn cây ăn quả bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; khẩn trương tiến hành thau chua, rửa mặn, bón vôi, phân hữu cơ cùng chế độ chăm sóc thích hợp để phục hồi, giảm thiệt hại gắn với tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện sau mùa lũ 2020 để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp kỹ thuật cao.

[Tiền Giang thu hút gần 11.200 tỷ đồng đầu tư vùng kinh tế trọng điểm]

Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết nông dân và doanh nghiệp trong xây dựng vùng nông sản hàng hóa, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm và các đối tác cùng hưởng lợi. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thực hiện chuỗi giá trị trên lúa, cây ăn trái, rau, chăn nuôi và thủy sản.

Tỉnh quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn; rà soát lại tình hình sản xuất ở các ngành như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí... tháo gỡ khó khăn và đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành để có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 cần có các giải pháp nhằm sớm ổn định sản xuất, bắt kịp đà tăng trưởng trong các tháng cuối năm.

Tỉnh tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp đang đầu tư nhanh chóng hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định. Qua đó, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, đối với thị trường trong nước, Tiền Giang có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, hệ thống phân phối bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện ích) xây dựng các chương trình khuyến mại hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng mua sắm, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu bán hàng…đưa chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa một cách sâu rộng.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, thảo luận và thống nhất mức tăng trưởng của tỉnh phải đạt 14% trở lên trong 6 tháng cuối năm nay; quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm là 7,0% theo Nghị quyết đề ra.

Tiền Giang: Khắc phục khó khăn, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng ảnh 2Thanh long được tỉnh Tiền Giang xác định là một trong những cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh và là nguồn nông sản hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân làm giàu, nông nghiệp, nông thôn đổi mới. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Một số chỉ tiêu chủ yếu phải đạt như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng cuối năm dự kiến 39.831 tỷ đồng nâng tổng doanh thu cả năm lên 68.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng cuối năm khoảng 5.938 tỷ đồng, nâng tổng thu cả năm là 11.131 tỷ đồng, đạt 100% so dự toán năm và bằng 98,9% so cùng kỳ; thu hút 17 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.901 tỷ đồng, nâng số dự án cả năm là 30 dự án, vốn đầu tư trong năm 2020 đạt 11.169,1 tỷ đồng; thành lập mới 16 Hợp tác xã…

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP của Tiền Giang sụt giảm, chỉ bằng 99,2% so cùng kỳ; trong đó: khu vực nông, lâm, ngư nghiệp bằng 94,5% cùng kỳ; khu vực dịch vụ bằng 99,6%….

Ước tính, toàn tỉnh có trên 8.500ha lúa Đông Xuân, hàng ngàn hecta rau màu, trên 5.300ha vườn cây ăn quả bị thiệt hại do thiên tai. Ngoài ra, có khoảng 53 doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động đối với hàng chục ngàn lao động bởi sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp tại địa phương có khả năng còn phải tiếp tục cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất... Người lao động không có việc làm, không có thu nhập, đời sống sẽ nhiều khó khăn.

Trước đó, Tiền Giang đã hoàn thành chi trả giai đoạn 1 và đang tiếp tục triển khai chi trả giai đoạn 2 gói hỗ trợ các đối tượng và người lao động đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng Bảy này sẽ hoàn tất chi trả cả hai giai đoạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục