Tìm giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN hậu COVID

Cuộc khủng hoảng COVID-19 là thách thức lớn nhất từ trước tới nay nhưng nhìn từ góc độ tích cực, cuộc khủng hoảng cũng mang lại những cơ hội to lớn.
Tìm giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN hậu COVID ảnh 1Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 10/11 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức Hội nghị chung cấp cao với chủ đề “Đảm bảo tăng trưởng và tự cường trong khu vực ASEAN: Những chính sách cho một thế giới hậu COVID” nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với IMF và đối tác quốc tế khác trong việc tìm ra các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và tận dụng các thay đổi, cơ hội do COVID-19 mang lại.

Hội nghị là một trong các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ góp phần giúp các nhà lãnh đạo ASEAN đề ra các quyết sách đưa khu vực ra khỏi khủng hoảng, thúc đẩy tự cường và phục hồi kinh tế và tăng trưởng bao trùm.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, trong phát biểu khai mạc, nhấn mạnh thế giới đã ngưỡng mộ tinh thần hợp tác mạnh mẽ của ASEAN trong những năm qua và trong quá trình khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19, phương thức ASEAN sẽ là nguồn cảm hứng để thúc đẩy hợp tác toàn cầu, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

[Quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam và ASEAN]

Còn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao sự hợp tác tích cực của IMF với các nước ASEAN và nhấn mạnh khu vực tài chính ngân hàng ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nâng cao tự cường kinh tế khu vực.

Từ khi đại dịch bùng phát, trong những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đảm bảo cho mục tiêu kép là vừa chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người và mạng sống và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai những biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ các hoạt động kinh tế.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các chính sách tiền tệ một cách đồng bộ hóa để hỗ trợ kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này, bao gồm3  lần giảm lãi suất để hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu khoản nợ gốc và lãi doanh nghiệp, miễn và giảm lãi suất và phạt, phí cho những đối tượng bị ảnh hưởng; duy trì tín dụng để hỗ trợ sản xuất và doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã giảm phí chuyển đổi và phí thông tin tín dụng để giúp tổ chức tín dụng giảm chi phí và lãi suất cho vay.

“Cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại rõ ràng là thách thức lớn nhất từ trước tới nay đối với tất cả chúng ta. Nhưng nhìn từ góc độ tích cực, cuộc khủng hoảng cũng mang lại những cơ hội to lớn,” bà Hồng chia sẻ.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ góc nhìn trong nước, dù dịch bệnh còn hiện hữu, Việt Nam tiếp tục duy trì niềm tin vào môi trường chính trị ổn định, Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút FDI khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) chính thức có hiệu lực.

“Thị trường tài chính trong nước được dự đoán sẽ cân bằng hơn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, vị thế của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn quốc tế, giảm chi phí trả nợ nước ngoài,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đối với ASEAN, bà Hồng cho rằng, khủng hoảng COVID-19 là nhân tố thúc đẩy tiến trình số hóa và sự phát triển của kinh tế không tiếp xúc. Có thể thấy tiến trình số hóa đang diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ sản xuất, tài chính ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, quản lý hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công... Kinh tế số cùng với thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo thành động lực mới cho tăng trưởng, nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục