Ngày 3/8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã tổ chức đánh giá thiệt hại do mưa lũ và rút kinh nghiệm. Qua thống kê chưa đầy đủ, ước tính thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh gần 174 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 31/7-3/8, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại một số điểm từ 143-260 mm, gây lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương trong tỉnh.
Các trận mưa lũ trong 4 ngày vừa qua đã làm 4 người bị thương, trên 230 ngôi nhà dân bị thiệt hại, trong đó có 2 ngôi nhà bị đổ và cuốn trôi hoàn toàn, 80 ngôi nhà bị ngập, trong đó 14 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn…
Toàn bộ số nhà trên cần phải di dời và bố trí nơi ở ổn định sau lũ; nhiều tài sản của người dân như tivi, xe máy, tủ lạnh… bị cuốn trôi. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi gần 100 con gia súc, gần 12.000 con gia cầm.
Tổng diện tích lúa mùa bị bồi lấp, thiệt hại 450ha, gần 900ha lúa nương và hoa màu bị thiệt hại từ 30%-70%, gần 100ha ao cá bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%...
Thống kê chưa đầy đủ đã có 169 phai thủy lợi bị cuốn trôi hoàn toàn, hơn 10 km mương bị hư hỏng; 77 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng; 10 cột điện cao thế bị đổ và bồi lấp…
Các tuyến đường quốc lộ, liên huyện và liên xã đều bị sạt lở, trong đó riêng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã bị sụt, sạt với khối lượng trên 175.000m3 và 18 điểm sạt lở lớn.
Đó là chưa tính điểm sụt sạt trên tuyến Quốc lộ 12 dài 1,5 km, mất toàn bộ đường hiện vẫn chưa xác định được giá trị thiệt hại do khối lượng quá lớn. Vị trí này trong nhiều ngày tới, chưa thể khắc phục được, dự kiến sẽ phải mở 1 tuyến đường công vụ khác mất từ 5-7 ngày mới có thể thông tuyến trên đoạn đường này.
Trong thời gian diễn ra mưa lũ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chính quyền các địa phương cũng đã kịp thời xuống hiện trường, chỉ huy lực lượng đưa người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời chỉ đạo nhân dân khắc phục diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, có kế hoạch chuyển đổi mùa vụ, cây trồng cho phù hợp.
Rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiên tai trong những ngày qua, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các địa phương thống kê đầy đủ thiệt hại trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả; yêu cầu các đơn vị chuẩn bị máy móc, thiết bị khắc phục các tuyến đường đang bị ách tắc.
Huyện Mường Chà khẩn trương xây dựng phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường công vụ nhanh chóng đưa Quốc lộ 12 vào hoạt động.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ cao để đưa người dân đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra./.