Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Nam Mỹ

Ai Cập ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày, Nam Phi, Algeria ghi nhận các ca nhiễm mới, số ca bệnh tăng cao tại Peru và Chile là thông tin nổi bật về diễn biến COVID-19 tại châu Phi và Nam Mỹ.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Nam Mỹ ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi ngày 19/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập ngày 7/4 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 9 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - số tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi quốc gia Bắc Phi phát hiện ca nhiễm đầu tiên.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới sáng 8/4]

Theo đó, tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Ai Cập tính đến nay là 94 người.

Bộ Y tế Ai Cập cùng ngày cũng xác nhận thêm 128 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.450 người. Theo Bộ Y tế Ai Cập, tất cả các ca nhiễm mới vừa được ghi nhận đều là công dân Ai Cập trở về từ nước ngoài mới đây hoặc đã tiếp xúc trực tiếp với những trường hợp đã mắc bệnh.

Ai Cập đã triển khai hàng loạt biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo một thông báo của chính phủ ngày 7/4, Ai Cập sẽ cấm tất cả các sự kiện tụ họp tôn giáo công cộng trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo - dự kiến bắt đầu sau khoảng 2 tuần nữa - nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong một thông báo riêng rẽ, Bộ phụ trách các nghi lễ Hồi giáo nêu rõ, trong bối cảnh các chuyên gia y tế khuyến nghị thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn dịch lây lan, Ai Cập cũng sẽ cấm tụ tập đông người cũng như các hoạt động xã hội tập thể.

Lệnh cấm cũng áp dụng đối với hoạt động Itikaf, trong đó các tín đồ Hồi giáo dành 10 ngày cuối cùng của tháng lễ Ramadan để cầu nguyện và thiền định ở các thánh đường.

Tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize ngày 7/4 thông báo có thêm 63 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này, theo đó tổng số ca nhiễm tăng lên 1.749 trường hợp, với 13 ca tử vong.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor thông báo Bộ Ngoại giao đang làm việc với các cơ quan đại diện ngoại giao của Nam Phi ở nước ngoài nhằm xúc tiến đưa về nước 1.471 công dân, đa số là sinh viên, hiện đang bị kẹt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, cũng trong ngày 7/4, Ngân hàng dự trữ Nam Phi dự đoán trong năm 2020, ít nhất 370.000 lao động tại nước này sẽ bị mất việc làm do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa trên toàn quốc, cũng như những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam ngày 8/4]

Tại Algeria, Ủy ban Giám sát khoa học về diễn biến đại dịch COVID-19 cho biết tính đến chiều 7/4 theo giờ địa phương, Algeria ghi nhận thêm 45 ca nhiễm mới và 20 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia này lên 1.468 người và 193 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã giảm mạnh so với 103 trường hợp ghi nhận một ngày trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, dịch bệnh hiện đã lây lan sang 43/48 tỉnh thành tại quốc gia Bắc Phi này, trong đó các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Blida, Algsers, Oran, et Tizi Ouzou. Tổng cộng 90 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi.

Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria xếp thứ 2 ở châu Phi về tổng số người mắc COVID-19, sau Nam Phi, nhưng là quốc gia có số ca tử vong cao nhất. Hiện Algeria đang trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Theo đó, chính quyền yêu cầu tất cả người dân tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là quy định ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết tính đến ngày 7/4, số ca mắc COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 10.075 người, trong đó 487 ca tử vong. Hiện 5 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại châu Phi theo thứ tự gồm Nam Phi, Algeria, Ai Cập, Maroc và Tunisia.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Nam Mỹ ảnh 2Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile, ngày 5/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Số ca mắc bệnh tăng cao tại Peru và Chile

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngày 7/4 thông báo trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 15 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 107 người, trong tổng số 2.954 ca dương tính trên cả nước.

Phát biểu trong buổi họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Victor Zamora (Vích-to Da-mô-ra), nhà lãnh đạo Peru cho biết kể từ thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, hệ thống y tế quốc gia Nam Mỹ này đã tiến hành 21.555 xét nghiệm trên cả nước, trong đó có 2.100 ca dương tính được ghi nhận tại thủ đô Lima.

Tổng thống Vizcarra cho biết trong 2 tuần tới sẽ là giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh tại nước này và ngày 9/4 tới Chính phủ Peru sẽ xem xét về việc có tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 hay không.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19, Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc từ ngày 16/3 và đưa ra các biện pháp đối phó như giãn cách xã hội bắt buộc, đóng cửa toàn bộ các đường biên giới và đình chỉ các hoạt động vận tải hàng không, hàng hải, đường bộ và đường thủy. Hội đồng Bộ trưởng Peru ngày 6/4 cũng ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ trong các ngày 9 và 10/4 và Chủ nhật 12/4 là những ngày nằm trong Tuần lễ Thánh để tránh việc tụ tập đông người.

Cũng trong ngày 7/4, Bộ Y tế Chile cho biết nước này đã ghi nhận thêm 301 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 5.116 người, trong khi số ca tử vong cũng tăng lên 43 người, cao hơn với thống kê trước đó 6 trường hợp.

Bộ trưởng Y tế Jaime Mañalich cho biết trong số các ca nhiễm bệnh có 357 trường hợp đang được điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có 286 người phải sử dụng máy trợ thở và 54 người trong tình trạng nguy kịch, số còn lại được cách ly tại nhà có sự giám sát y tế thường xuyên.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ Chile sẽ kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội tới ít nhất là ngày 16/4 tại một số quận ở thủ đô Santiago, đặc biệt là khu Puente Alto - nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.

Theo ông Mañalich, cơ quan y tế cũng quyết định sẽ chuyển toàn bộ các tù nhân trên 60 tuổi ở một nhà tù nằm trên địa bàn quận Puente Alto tới các cơ sở y tế có sự giám sát của cơ quan chức năng do phát hiện có 16 tù nhân trong nhà tù trên bị nhiễm SARS-CoV-2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục