Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn năm 2017-2019 từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng sau khi đơn vị chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải có đề nghị về việc nâng vốn “ông lớn ngành đường sắt".
Cụ thể, nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm là chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ đến 31/12/2016; quỹ đầu tư phát triển và trích từ lợi nhuận sau thuế từ năm 2017 trở đi; quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tổng công ty; tăng vốn và tài sản gói EP thuộc dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; chênh lệch giá ray chuyên dùng.
[Hai doanh nghiệp lớn ngành giao thông xin tăng vốn điều lệ]
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan hướng dẫn, giám sát Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và bảo toàn vốn điều lệ được duyệt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 3.250 tỷ đồng, tăng thêm 982 tỷ đồng (sau hơn 5 năm giữ nguyên quy mô vốn điều lệ ở mức 2.286 tỷ đồng) nhằm đáp ứng đủ vốn cho hoạt động kinh doanh giai đoạn 2017 - 2019 và nhu cầu đầu tư trung, dài hạn.
Việc tăng vốn điều lệ này theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải sẽ giúp Tổng công ty Đường sắt có thêm nguồn lực để đầu tư dự án 100 đầu máy giai đoạn 2016 - 2020, phân kỳ đầu tư chuyển tiếp giai đoạn 2017 - 2019 (trong 3 năm) là 60 đầu máy với giá trị đầu tư là 1.300 tỷ đồng; đầu tư mới đoàn tàu vận chuyển hành khách trên đoạn tuyến Sài Gòn - Nha Trang, đầu tư toa xe thay thế dần toa xe có tốc độ dưới 60km/giờ.
“Tổng mức đầu tư của các dự án này dự kiến là 1.975 tỷ đồng, do các Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn (là các công ty con của Tổng công ty) làm chủ đầu tư,” Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm.
Hiện nguồn vốn hiện có để bổ sung vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 788,8 tỷ đồng. Phần bổ sung vốn điều lệ còn thiếu khoảng 193 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị được bổ sung tiếp từ lợi nhuận sau thuế trích lập quỹ đầu tư phát triển các năm tiếp theo (trong đó đã có tính đến lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư tại các Công ty cổ phần)./.