Tổng thống Pháp: Iran theo đuổi chương trình hạt nhân sẽ gánh hậu quả

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích "sự hấp tấp liều lĩnh" của chương trình hạt nhân Iran và cho rằng việc Tehran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả.
Tổng thống Pháp: Iran theo đuổi chương trình hạt nhân sẽ gánh hậu quả ảnh 1Các máy ly tâm bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng AFP, sau bữa tối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Paris ngày 2/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích "sự hấp tấp liều lĩnh" của chương trình hạt nhân Iran.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Macron nói thêm rằng việc Tehran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân "chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả."

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu đang tìm kiếm lập trường mạnh mẽ hơn của châu Âu đối với chương trình hạt nhân của Iran, cũng như hy vọng các đồng minh phương Tây ngừng theo đuổi bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

[Iran nhận được thông điệp của các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân]

Trước đó, ngày 29/1, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết nước này đã nhận được thông điệp của các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bao gồm cả Mỹ, thông qua Qatar.

Theo hãng thông tấn IRNA, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani sau cuộc gặp ở Tehran, ông Amir-Abdollahian đánh giá cao thiện chí của Doha trong việc giúp đưa các bên tiến gần hơn đến những bước cuối cùng, nhằm hướng tới việc đạt được sự đồng thuận nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ngoại trưởng Abdulrahman Al Thani cho biết Mỹ đã gửi một loạt thông điệp cho Qatar để chuyển tới Iran, đồng thời lưu ý rằng các thông điệp này có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của Tehran.

Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), với các cường quốc thế giới vào tháng 7/2015, đồng ý đưa ra một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran, khiến nước này phải giảm một số cam kết hạt nhân theo thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận JCPOA bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna, Áo. Tuy nhiên, vẫn không có bước tiến triển đột phá nào đạt được sau vòng đàm phán mới nhất vào tháng 8/2022.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani ngày 2/1 cho biết bóng đang ở phần sân của phương Tây khi ông đề cập đến việc kết thúc các đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo trang tin Pars Today của Iran, phát biểu trong cuộc họp báo hằng tuần, ông Kanaani lưu ý: "Bên lề Hội nghị Baghdad lần thứ hai, các quan chức cấp cao của Iran và Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau. Tiến trình đàm phán ở Vienna (Áo) là một trong những chủ đề được thảo luận giữa hai bên. Chúng ta đã nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán về JCPOA, và việc trao đổi thông điệp sẽ được tiếp tục ở các cấp độ khác nhau."

Ông Kanaani cho hay Iran hoàn toàn sẵn sàng kết thúc các cuộc đàm phán về JCPOA trên cơ sở gói dự thảo thỏa thuận, vốn là kết quả của nhiều tháng đàm phán khó khăn và căng thẳng, cũng như trên cơ sở tôn trọng các giới hạn đỏ của Tehran, nhưng sự sẵn sàng này không phải là vĩnh viễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục