Ngày 12/7, phát biểu trước các nhà đầu tư tại thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố với tình hình hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ không thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, vốn được áp đặt sau khi xảy ra cuộc đảo chính hồi tháng 7 năm ngoái.
Ông Erdogan cho biết thêm tình trạng khẩn cấp sẽ kết thúc khi các vấn đề an ninh được giải quyết.
Kể từ sau khi đập tan vụ đảo chính do một nhóm tướng lĩnh quân đội thực hiện nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan hồi tháng 7/2016, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 50.000 người tình nghi liên quan và sa thải 150.000 người khác trong đó có nhiều viên chức, cảnh sát, giáo viên, binh lính.. với cáo buộc liên quan đến khủng bố.
[Thổ Nhĩ Kỳ: Tiếp tục bắt giữ nhiều cảnh sát, binh sỹ vụ đảo chính]
Đa số những người này bị tình nghi có liên quan tới mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, Tuy nhiên, cho đến nay, vị giáo sĩ đang sống lưu vong tại Mỹ này luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, thâm chí lên án cuộc đảo chính. Vụ đảo chính bất thành này đã khiến hơn 240 người thiệt mạng.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố lệnh bắt giữ 34 cựu nhân viên của kênh truyền hình nhà nước TRT trong cuộc điều tra nhằm vào những người ủng hộ Giáo sĩ Gulen, người bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho biết cả 34 người nói trên bị nghi là đã sử dụng ByLock, một ứng dụng nhắn tin mã hóa mà chính quyền Ankara cho rằng những người ủng hộ Giáo sĩ Gulen đã sử dụng để liên lạc. Trước đó, những người này đã bị sa thải do cáo buộc có liên quan đến vụ đảo chính.
Cũng trong ngày 12/7, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 14 quân nhân tại 6 tỉnh cũng liên quan tới cuộc đảo chính hồi năm ngoái./.