Mạng Iapsdialogue.org của Đại học Nottingham, Anh ngày 9/11 đã đăng tải bài viết “APEC 29 có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thành Trung - Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung bài viết như sau:
Năm 2006, khi Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14, cả đất nước đã tỏ ra háo hức với vấn đề hội nhập kinh tế. Vào thời điểm đó, Việt Nam thậm chí còn được ví như một “con hổ” tại Đông Nam Á.
Một năm sau, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những kỳ vọng về một nền kinh tế phát triển của Việt Nam đã được lan rộng. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó đã gặp phải những trở ngại thực sự. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại đã khiến Việt Nam không còn là một điển hình phát triển thành công tại châu Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Việt Nam là bên được hưởng lợi từ các chương trình nghị sự đầu tư và tự do hóa thương mại của APEC. Năm 2005, 66% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đến từ các thành viên APEC. Con số này tăng lên 78% vào năm 2015. Tương tự, hơn ba phần tư tỷ trọng thương mại của Việt Nam là với các nền kinh tế APEC.
Trong hai năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã có được sự phục hồi tích cực với mức tăng trưởng trung bình hơn 6% nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, giá cả hàng hóa tăng và sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Với nhiệm vụ ngăn chặn đà suy thoái, giảm nghèo và đa dạng hóa các đối tác hợp tác trên thế giới, Việt Nam cần nhiều động lực để duy trì nền kinh tế phát triển có hiệu quả. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) là những gì mà chính phủ Việt Nam đang tìm kiếm để thúc đẩy nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức thực sự là một bất ngờ không lường trước được đối với Việt Nam. Mỹ rút khỏi TPP khiến Việt Nam trở thành bên hứng chịu nhiều thiệt hại nhất bởi việc tiếp cận thị trường tại Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù APEC không được coi là một FTA chính thức, nhưng bản thân diễn đàn này đã đi một chặng đường dài để thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia thành viên.
Kể từ khi thành lập vào năm 1989 đến nay, APEC đã mở rộng các hoạt động thể chế của mình dựa trên cơ chế tư vấn ở cấp cơ sở và cấp bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các giá trị và lợi ích chung.
Do đó, APEC 2017 là cơ hội tốt cho Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong vấn đề tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như tạo thuận lợi cho môi trường hợp tác về kinh tế, kỹ thuật, tương tự như những gì đã được thông qua tại Chương trình Hành động Osaka năm 1995.
[Infographics] Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương
Việt Nam có thể tận dụng vai trò là nước chủ nhà APEC 2017 để thúc đẩy định hướng chính sách đối ngoại từ "một bên tham gia" thành "tham gia tích cực" vào các thể chế đa phương (Việc tái điều chỉnh phương pháp tiếp cận đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 năm 2016).
Với chủ đề của APEC 2017 là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," Việt Nam đã lựa chọn bốn ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sang tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2017 dự kiến sẽ mang tới nhiều lợi ích cho Việt Nam. Thứ nhất, hội nghị thượng đỉnh là một trong những sự kiện quan trọng nhất trên thế giới, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, giúp nâng cao danh tiếng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện cam kết nghiêm túc của mình đối với chương trình nghị sự của APEC, góp phần tích cực vào quá trình tự do hóa khu vực.
Thứ hai, APEC 2017 cũng tạo cơ hội cho các nền kinh tế thành viên tổ chức các hội nghị song phương riêng biệt để thảo luận các chủ đề không có trong nội dung chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác với các nhà lãnh đạo chủ chốt của APEC.
Ngoài ra, APEC 2017 còn đóng vai trò là một kênh kết nối để Việt Nam thúc đẩy thương mại song phương với các nền kinh tế thành viên khác.
Thứ ba, Việt Nam cũng có thể tận dụng vai trò là Chủ tịch APEC 2017 để thúc đẩy chương trình nghị sự về kinh tế, chính trị và an ninh. Với sự rút lui khỏi TPP của Hoa Kỳ, một khoảng trống chính trị trong khu vực cần phải được khỏa lấp. Sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 có thể là một công cụ hợp tác với các quốc gia thành viên chủ chốt khác để tái khởi động phiên bản TPP 2.0 hoặc tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu nhằm phục vụ vấn đề hội nhập khu vực bền vững.
Thứ tư, chương trình nghị sự của APEC 2017 về vấn đề đầu tư và tự do hóa thương mại cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Năm 2005, 66% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đến từ các nước thành viên APEC. Con số này tăng lên 78% vào năm 2015. Tương tự, hơn 3/4 tỷ trọng thương mại của Việt Nam đến từ các nền kinh tế APEC.
Xu hướng tăng trưởng này sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thực hiện những tham vọng trong việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Quý 1 năm 2017, 50% sản lượng công nghiệp và 70% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam là từ khu vực FDI. Do đó, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam được trông đợi sẽ tiếp tục dựa vào vào đầu tư nội khối trong những năm tới.
Cuối cùng, để hòa hợp với APEC, Việt Nam cần sửa đổi các quy tắc và luật lệ trong việc tuân thủ các cam kết về cải cách và hội nhập kinh tế. Mặc dù quy định của APEC là những nguyên tắc không ràng buộc dựa trên sự nhất trí, các nhà lãnh đạo Việt Nam thừa nhận rằng họ đã sử dụng APEC như là một động lực cải cách, thúc đẩy sự thay đổi sâu rộng về thể chế.
Tháng 4/2016, Chính phủ Việt Nam đã thông qua "Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020" nhằm đẩy nhanh cải cách bằng việc cải thiện các thể chế thị trường, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tháng 5/2016, Việt Nam đã thành lập "Ủy ban Quốc gia Thuận lợi hóa Thương mại" (NCTF) để thực hiện các mục tiêu xúc tiến thương mại của chính phủ. Nhiều rào cản đối với các công ty nước ngoài đã được dỡ bỏ giúp Việt Nam trở nên thuận lợi hơn về kinh doanh, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư tiềm năng. APEC và các hiệp định thương mại tương tự có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức về thể chế vẫn còn ở phía trước.
Mặt khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ chương trình nghị sự của APEC. Các ngành công nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Thêm vào đó, Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, vốn từ các nền kinh tế phát triển. Nếu không có các chính sách khôn ngoan tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Việt Nam sẽ sớm nhận ra các nền kinh tế nhỏ hơn đang gặp bất lợi so với các nền kinh tế lớn hơn.
Mặc dù, APEC còn tồn tại vấn đề về cơ chế thực thi nhưng Việt Nam cần chủ động làm việc với các thành viên APEC khác nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đặt nền móng vững chắc cho việc thành lập khu vực mậu dịch tự do./.