Đêm 2/2, Chính phủ Nhật Bản đã tăng mức báo động sau khi nhận được thông tin cho rằng Triều Tiên đã thông báo với các tổ chức quốc tế về kế hoạch phóng vệ tinh.
Sau thông báo trên của Triều Tiên, các nguồn tin chính phủ cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục dốc sức để thu thập thông tin để đảm bảo an ninh cho đất nước.
Nước này cũng sẽ phối hợp với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác.
Ngoài ra, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn lưu ý rằng họ đang phỏng đoán về khả năng xảy ra một vụ phóng tên lửa bất ngờ, trong khi một quan chức Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh rằng Tokyo đã áp dụng các biện pháp thích hợp.
Trước đó, tối 2/2, các hãng tin nước ngoài đưa tin phía Triều Tiên đã thông báo cho Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về kế hoạch phóng một vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 8-25/2.
Bên cạnh đó, phía Triều Tiên cũng đã ban bố lệnh cấm tàu thuyền đi lại để tiến hành vụ phóng vệ tinh.
Theo một phát ngôn viên của IMO, tổ chức này đã nhận được thông tin từ Triều Tiên cho biết sẽ phóng vệ tinh quan sát Trái Đất Kwangmyongsong vào khoảng thời gian trên.
Cùng ngày, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã phát đi thông báo tương tự tới Liên đoàn Viễn thông quốc tế (ITU) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) thông qua các kênh ngoại giao.
Trước đó, giới chức Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa sau khi vệ tinh của nước này đã ghi nhận được các hoạt động tại bãi phóng của Triều Tiên.
Trong một phản ứng đầu tiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel tuyên bố bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào của Triều Tiên sẽ đều "vi phạm trầm trọng" nghĩa vụ quốc tế của nước này.
Phát biểu với các phóng viên, ông Russel nhấn mạnh các kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên sẽ là cơ sở vững chắc hơn để Liên hợp quốc áp đặt các trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.
Thông báo trên được Triều Tiên đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) ngày 6/1 vừa qua.
Bất chấp việc Bình Nhưỡng cho rằng các chương trình vũ trụ của mình nước này vì mục đích khoa học, cộng đồng quốc tế luôn bày tỏ quan ngại trước các vụ phóng của Triều Tiên, cho rằng đây thực chất là các vụ thử tên lửa đạn đạo.
Liên hợp quốc đã ra các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng sử dụng bất kỳ công nghệ đạn đạo nào, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ phóng vệ tinh gần đây nhất của nước này hồi tháng 12/2012./.