Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã tranh thủ tăng thị phần trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu thế giới còn yếu, dù vậy điều này được đánh giá có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên một số thị trường hàng hóa thế giới, trong đó có thị trường thép.
Theo số liệu từ Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Việc làm, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng hàng xuất khẩu toàn cầu đã tăng lên gần 14% trong năm 2015, từ hơn 12% trong năm 2014, và là mức cao nhất một quốc gia từng ghi nhận kể từ khi Mỹ chiếm vị trí dẫn đầu vào năm 1968.
Kết quả này dường như trái ngược với nhiều nhận định viện dẫn sự gia tăng chi phí lao động cũng như giá trị đồng nhân dân tệ tăng lên so với đồng USD trong một thập niên qua sẽ khiến Trung Quốc mất thị phần hàng xuất khẩu vào tay các đối thủ khác có giá cả rẻ hơn.
Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành chế tạo được xây dựng trong giai đoạn nước này thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nhiều thập niên gần đây đã duy trì “guồng máy” xuất khẩu của Trung Quốc và là cơ sở để các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn.
Dù vậy, mặc dù các công ty Trung Quốc đang nỗ lực tiến vào những phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị hàng hóa, nước này cũng đồng thời “giải phóng” hàng hóa tồn kho do tình trạng dư thừa sản lượng ở các lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp thép.
Mỹ và bảy quốc gia khác ngày 19/4 kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng dư thừa sản lượng thép trên toàn cầu, mà một số nước cáo buộc Trung Quốc là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng thép.
Ngày 21/4, Bắc Kinh công bố hàng loạt chính sách thúc đẩy xuất khẩu máy móc, trong đó có giảm thuế và khuyến khích ngân hàng cấp vốn vay cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt hàng máy móc và thiết bị cơ khí chiếm tỷ trọng lớn trong hàng xuất khẩu của nước này./.