Trung Quốc thúc đẩy chính sách kinh tế vĩ mô phục hồi nền kinh tế

Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp như giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 13/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 13/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc sẽ tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô để bù đắp cho những thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đương đầu với những thách thức nghiêm trọng chưa từng có.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/4 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt hơn và chính sách tài chính tiên phong hoạt động hiệu quả hơn.

Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp như giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết kinh tế nước này đã lần đầu tiên trong gần ba thập kỷ vừa qua tăng trưởng âm do các biện pháp ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.

[Hoạt động tiêu dùng ảm đạm, Trung Quốc vật lộn vực dậy nền kinh tế]

Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý 1/2020 ở mức 20.650 tỷ Nhân dân tệ (2.910 tỷ USD), suy giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là sự suy giảm tăng trưởng GDP theo quý lần đầu tiên kể từ năm 1992, thời điểm Trung Quốc bắt đầu thống kê chỉ số này.

GDP sụt giảm sẽ gia tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng, trong khi nỗ lực khắc phục tình trạng mất việc làm đang đe dọa sự ổn định xã hội, cũng như kiểm soát các rủi ro tài chính.

Theo NBS, chỉ số bán lẻ hàng tiêu dùng, chỉ số chính thể hiện tăng trưởng tiêu dùng, đã giảm 19% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, một chỉ số kinh tế quan trọng khác là chỉ số sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng đã giảm 8,4% do dịch bệnh tác động mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tình hình thị trường việc làm trong tháng Ba đã có dấu hiệu cải thiện. Thăm dò cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực đô thị giữ ở mức 5,9%. Con số này thấp hơn 0,3% so với tháng trước.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020, trước khi đạt mức tăng 9,2% trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục