Trung Quốc thúc đẩy 'quyền lực mềm' trong đại dịch COVID-19

Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại viện Chatham House, nói: “Trung Quốc đang cố gắng biến cuộc khủng hoảng y tế của họ thành cơ hội địa chính trị."
Trung Quốc thúc đẩy 'quyền lực mềm' trong đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Hán Khẩu ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 21/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng ft.com vừa đăng bài phân tích về cách Trung Quốc sử dụng "quyền lực mềm" trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nội dung chủ yếu như sau:

Chỉ cách đây một tháng, Trung Quốc dường như “quay cuồng” trước tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19). Nền kinh tế nước này đã rơi tự do và cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh ở Vũ Hán, đã làm "dậy sóng" mạng Internet.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng. Trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu và tâm dịch giờ đang chuyển từ châu Á sang châu Âu, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ. Lời kêu gọi này đã trở thành công cụ tuyên truyền đặc biệt cần thiết cho Trung Quốc vào thời điểm này.

Viện dẫn “quan hệ hữu nghị bền chặt và sắt son” giữa Serbia và Trung Quốc, ông kêu gọi “người anh và người bạn” Tập Cận Bình hỗ trợ trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại viện Chatham House, nói: “Trung Quốc đang cố gắng biến cuộc khủng hoảng y tế của họ thành cơ hội địa chính trị. Họ đang khởi động chiến dịch thúc đẩy quyền lực mềm nhằm lấp chỗ trống mà Mỹ để lại."

Giới phân tích cho rằng mục tiêu của chiến dịch tuyên truyền mới này chủ yếu nhằm khắc phục những tổn hại nghiêm trọng mà đại dịch - vốn khởi phát từ Trung Quốc - gây ra đối với danh tiếng của Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Trung Quốc đang có ý định thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm, như họ từng làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi gói kích thích kinh tế của Bắc Kinh giúp kích cầu toàn thế giới.

Tuy nhiên lần này, họ đang thể hiện một hình ảnh gai góc hơn. Trong khi hồi năm 2008, Bắc Kinh phối hợp hành động với Mỹ, thì giờ đây Trung Quốc vừa cung cấp viện trợ nhân đạo cho các quốc gia bị ảnh hưởng, vừa lên án nước Mỹ. Điều này để lại ấn tượng rằng: một siêu cường đang nổi đang cố gắng thể hiện với siêu cường đương thời rằng ai là quốc gia quan trọng hơn.

Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án “virus Trung Quốc” khi ông phải đương đầu với sự chỉ trích trong nước và thị trường chứng khoán lao dốc, Trung Quốc đã khởi động chương trình ngoại giao đại dịch cường độ cao, thu hút sự chú ý của báo giới toàn cầu bởi hành động thiện chí của họ tại châu Âu, châu Phi và những nơi khác.

Nếu Trung Quốc có thể tránh được đợt bùng phát thứ hai, họ có thể sẽ trở thành nước lớn đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Hầu hết chuyên gia kinh tế đang dự đoán GDP Trung Quốc sụt giảm chưa từng có tiền lệ trong quý 1 năm 2020 và sau đó sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý 2.

[Tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc dần khôi phục hoạt động]

Louis Kuijs, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics ở Hong Kong, dự đoán GDP Trung Quốc tăng 8% so với quý 1.

Nếu đạt được tốc độ tăng trưởng đó, Trung Quốc có thể là mô hình tăng trưởng hiếm hoi trong một thế giới bị suy tàn vì khủng hoảng kinh tế, giúp họ thúc đẩy quyền lực mềm cũng như khả năng can thiệp để giúp đỡ các quốc gia đang bị dịch bệnh tàn phá và đang kêu gọi trợ giúp, như Serbia.

Andy Rothman, chiến lược gia tại Quỹ đầu tư Matthews Asia, nói: “Trong bối cảnh nền kinh tế dựa vào nhu cầu nội địa của Trung Quốc chuẩn bị phục hồi và các nhà đầu tư ở Đại lục có thể né tránh cơn hoảng loạn đang bao trùm các thị trường phương Tây, nền kinh tế của Trung Quốc có thể giúp nâng đỡ tăng trưởng toàn cầu và mở ra ‘nơi trú ẩn an toàn’ cho các nhà đầu tư."

Joshua Kurlantzick, học giả cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói: “Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách ‘tư bản hóa,’ nếu xét về phương diện quyền lực mềm."

Trong lúc thể hiện mình là một “vị cứu tinh," Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự khác biệt đáng chú ý giữa cuộc khủng hoảng lần này với các cuộc khủng hoàng toàn cầu trước đây. Bắc Kinh đang hành động một mình, và không cho thấy dấu hiệu hợp tác với Mỹ. Thậm chí hồi năm 2014, khi virus Ebola tàn phá Tây Phi khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng, Mỹ và Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ.

Theo báo cáo của Trung tâm Carter, Trung Quốc và Mỹ đã sát cánh cùng nhau trong các phòng thí nghiệm ở Sierra Leone và tại sân bay để chuyển các viện trợ khẩn cấp.

Bắc Kinh và Washington cũng cùng nhau tiến hành các nỗ lực cứu trợ sau thảm họa sóng thần ở Đông Nam châu Á năm 2004. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cả hai nước đều nhất trí về các nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng và tiến hành các biện pháp phối hợp để thúc đẩy nhu cầu thế giới. Gói kích thích trị giá 586 tỷ USD của Trung Quốc năm 2009 đã giúp thế giới thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, theo Ryan Hass, cựu quan chức Nhà Trắng và hiện làm việc tại Viện Brookings, sau nhiều thăm chiến tranh thương mại, mọi thứ lần này đã rất khác biệt.

Ông Hass nói: “Sự lây lan của virus corona đã phản chiếu mối quan hệ song phương và cho thấy hình ảnh xấu xí. Giờ đây lãnh đạo của hai nước đang bận tâm tranh cãi về nơi khởi phát virus và ai là người gây ra sự lây lan này, thay vì những gì cần phối hợp hành động để ngăn chặn nó."

Minxin Pei, Giáo sư tại Đại học Claremont McKenna ở Los Angeles, cho rằng các hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây, bao gồm việc trục xuất các nhà báo Mỹ trong tháng này, khiến cơ hội hợp tác với Mỹ để chống COVID-19 trở nên khó khăn hơn.

Ông nói: “Trung Quốc sẽ thể hiện tốt hình ảnh nhà lãnh đạo toàn cầu hào phóng, chia sẻ nguồn lực y tế với các quốc gia khác, đặc biệt với các nước đang phát triển đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ."

Và bất kể "phần thưởng" nào mà Trung Quốc nhận được từ các cử chỉ nhân đạo của họ sẽ giúp xóa bỏ ấn tượng về những sai lầm và sự "bưng bít" trước đây”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục