Từ 'Ngày Sách Việt Nam' hướng tới chiến lược sách quốc gia

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, quyết định về Ngày Sách (21/4) thể hiện sự quan tâm kịp thời, tầm nhìn của Đảng, Chính phủ nhằm chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam.
Sau 5 năm triển khai quyết đinh của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam, số lượng và chất lượng xuất bản phẩm đều được nâng lên. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Sau 5 năm triển khai quyết đinh của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam, số lượng và chất lượng xuất bản phẩm đều được nâng lên. (Ảnh minh họa: TTXVN)

“Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% số người không đọc sách và 44% số người thỉnh thoảng đọc sách. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/năm nhưng trong đó, có 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người dân mới chỉ thụ hưởng gần 2 cuốn sách mới/năm - thuộc nhóm thấp trên thế giới.”

Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Chương trình diễn ra sáng nay (18/4) tại Hà Nội.

Lan tỏa văn hóa đọc

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam với mục đích tôn vinh giá trị của sách, khuyến khích người Việt Nam đọc sách, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ngoài ra, tháng Tư có Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Do đó, việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản…

Từ 'Ngày Sách Việt Nam' hướng tới chiến lược sách quốc gia ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Qua 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng, Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn. Các hoạt động của Ngày Sách không chỉ được tổ chức ở các tỉnh, thành phố lớn mà còn được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu…

[Sôi động lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 6]

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, có trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. Ngoài ra, mô hình “Tủ sách dành cho phạm nhân” là dấu ấn nổi bật trong quá trình thực hiện quyết định của Thủ tướng. Hiện nay, trên cả nước có 60 tủ sách tại 54 trại giam, ba cơ sở giáo dục bắt buộc…

Toàn ngành xuất bản đã phát hành gần 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản sau 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng (tăng hơn 20% số cuốn và 55% số bản sách). Chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng độc giả.

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, những kết quả đạt được nêu trên đã thể hiện sự nỗ lực, chung tay góp sức của các cấp, ngành, các địa phương và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến căn bản, tích cực dối với việc phát triển phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách và lưu giữ sách trong cộng đồng.

Hướng tới chiến lược sách quốc gia

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, dân tộc Việt Nam có truyền thống ham học, ham đọc sách.

Tuy nhiên, qua hơn 30 năm kinh tế thị trường, nhịp sống nhanh hơn, vật chất nhiều hơn, tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm đi. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt Nam trung bình mới đạt khoảng 1 giờ/người/tuần. Trong khi đó, con số này tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác là: 11 giờ (Ấn Độ), 5 giờ (Đài Loan), 4 giờ (Nhật Bản)…

“Việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam thể hiện sự quan tâm kịp thời, tầm nhìn của Đảng, Chính phủ nhằm chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam; có thể coi đây như là tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc ở Việt Nam,” ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Từ 'Ngày Sách Việt Nam' hướng tới chiến lược sách quốc gia ảnh 2Ngày Sách Việt Nam nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập tại hội thảo là: tăng mức hưởng thụ xuất bản phẩm lên 4 cuốn sách/người/năm (không tính sách giáo khoa); tiếp tục xây dựng, hình thành và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, phấn đấu đạt mức 30% -40% số hộ gia đình có tủ sách…

[Ngày hội sách: Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển tri thức]

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong 5 năm vừa qua, các cấp, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và đông đảo quần chúng đã hưởng ứng tích cực Ngày Sách Việt Nam và việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng để sách đến được nhiều hơn với những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, cơ chế tài chính cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất nhằm khuyến khích việc viết sách để Việt Nam có thêm nhiều tác phẩm tốt; tôn vinh những cá nhân có nhiều đóng góp trong việc đưa sách đến với cộng đồng; vinh danh tác phẩm chất lượng cao..../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục