Ngày 26/10, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) đã ra tuyên bố chung.
Sau đây là toàn văn tuyên bố chung:
Ngày 26/10/2016, Hà Nội
“Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai”
1. Chúng tôi, Lãnh đạo Nhà nước/Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hoà Liên bang Myanmar và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là CLMV) họp mặt tại Hà Nội, Việt Nam nhân dịp Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 8.
Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký ủy ban ESCAP, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tham dự Hội nghị.
2. Chúng tôi hài lòng nhận thấy quan hệ láng giềng hữu nghị, bạn bè truyền thống và hợp tác toàn diện lâu năm giữa bốn nước tiếp tục phát triển. Các lợi ích chung đã được mở rộng thông qua tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hợp tác trong các nhiều lĩnh vực từ giao lưu nhân dân, phát triển nguồn nhân lực đến y tế, giao thông và môi trường.
3. Chúng tôi vui mừng nhận thấy kể khi thành lập, hợp tác CLMV đã đóng góp quan trọng cho sự hình thành của Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho người dân.
4. Chúng tôi nhấn mạnh sứ mệnh cốt lõi của Hợp tác CLMV là khuôn khổ thúc đẩy phối hợp chính sách và hoạt động chung giữa bốn nước nhằm bảo đảm tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các mục tiêu chính của hợp tác CLMV tiếp tục là: (i) Hỗ trợ sự phát triển của Cộng đồng ASEAN thông qua xây dựng năng lực hội nhập khu vực của các nước CLMV và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; (ii) Phát huy tối đa tiềm năng của các nền kinh tế các nước thành viên và tăng cường các dòng đầu tư và thương mại giữa các nước CLMV với nhau và với các khu vực khác; (iii) Hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm tại tiểu vùng.
5. Chúng tôi bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng của CLMV và tin tưởng rằng CLMV đang đi đúng hướng nhằm đạt tăng trưởng kinh tế lâu dài. Trong những năm qua, CLMV đã trở thành một trong các khu vực năng động nhất thế giới nhờ vào việc thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Các yếu tố như nguồn tài nguyên phong phú, giá cả cạnh tranh, lực lượng lao động lớn, các chính sách đầu tư và thương mại thuận lợi, vị trí chiến lược và gần với các thị trường lớn, có khả năng tiếp cận tới thị trường 600 triệu người tiêu dùng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã góp phần tạo nên triển vọng tăng trưởng cho bốn nền kinh tế CLMV.
6. Chúng tôi nhận thức đầy đủ những thách thức mà các nước CLMV đang phải đối mặt như hạn chế về nguồn lực và năng lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng bất ổn định của kinh tế khu vực và toàn cầu, tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế mở và nhỏ.
7. Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm mang tính chất quyết định đối với sự phát triển của CLMV. Chỉ có thông qua phối hợp và hợp tác chặt chẽ, các nước chúng ta mới có thể vượt qua các thách thức và tạo nên một khu vực kinh tế năng động, phát triển bền vững và bao trùm. Hành động ngày hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta.
8. Chúng tôi khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ vì tương lai của CLMV. Chúng tôi quyết tâm vừa tiến hành cải cách trong nước vừa hội nhập sâu rộng hơn nữa vào khu vực để duy trì động lực tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của CLMV.
9. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế để bảo đảm phân bổ hiệu quả nguồn vốn và lao động, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất. Chúng tôi cam kết duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể phát triển và người dân có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
10. Chúng tôi nhận thức rằng tăng cường kết nối khu vực có vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của CLMV và nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể để hướng tới một khu vực kinh tế kết nối thông suốt nhằm gắn kết hơn nữa nền kinh tế và thị trường của bốn nước vì lợi ích của tất cả bên. Cụ thể:
10.1. Trong hợp tác về giao thông, chúng tôi nhất trí:
i. Đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường còn thiếu và cải tạo các tuyến đường dọc theo Hành lang Kinh tế Bắc-Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC).
ii. Xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vientiane và Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hoá và con người giữa hai Thủ đô.
iii. Triển khai nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Rangoon-MaythilaTalay-Cenglap (Myanmar)-Xieng Coc-Luang Namtha-Odomxay-Muang Khoa (Lào)-Tây Trang-Hà Nội (Việt Nam).
iv. Tạo thuận lợi cho vận tải hàng không thông qua việc thực hiện Hiệp định CLMV về vận tải hàng không và các hiệp định song phương và đa phương khác liên quan đến dịch vụ hàng không.
10.2 Trong hợp tác tạo thuận lợi thương mại và đầu tư:
Chúng tôi tái khẳng định cam kết thực hiện các thỏa thuận hiện có giữa các nước CLMV.
Chúng tôi đánh giá cao các tiến bộ mà các Bộ trưởng Kinh tế đã đạt được trong triển khai Kế hoạch hành động thường niên và hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 8 tổ chức ngày 6/8/2016 tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Chúng tôi thông qua kế hoạch xây dựng Khuôn khổ phát triển CLMV với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường năng lực, tận dụng các lợi ích từ hội nhập khu vực và nâng cao đời sống người dân. Do Khuôn khổ liên quan đến công tác của nhiều Bộ, ngành, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan trong quá trình dự thảo. Chúng tôi giao các Bộ trưởng Kinh tế CLMV và các Quan chức cao cấp đệ trình Khuôn khổ để các nhà Lãnh đạo xem xét tại Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 9 vào năm 2018.
Chúng tôi đồng ý về sự cần thiết chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế và nhất trí đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục thông quan và tiếp tục phát triển các khu công nghiệp dọc các tuyến hành lang.
Chúng tôi cũng sẽ thực hiện thêm một số biện pháp như:
i. Thúc đẩy thương mại biên giới thông qua hài hòa hóa các quy định về thương mại biên giới và phát triển hệ thống chợ biên giới.
ii. Khuyến khích các cơ quan liên quan và doanh nghiệp tổ chức và tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo đầu tư trong khu vực.
iii. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước CLMV đầu tư vào thị trường của nhau.
iv. Thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử giữa các nước CLMV thông qua các chương trình nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệp trong việc xây dựng các chính sách và khuôn khổ luật pháp liên quan.
10.3 Trong hợp tác công nghiệp:
Chúng tôi khuyến khích và thúc đẩy hợp tác giữa các nước CLMV trong lĩnh vực công nghiệp như xây dựng, tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn hóa chính sách công nghiệp, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo và khóa đào tạo nhằm thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các bài học điển hình với mục đích tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước CLMV trên khu vực và thế giới.
10.4 Trong hợp tác du lịch:
Chúng tôi hài lòng ghi nhận rằng bốn nước có lượng khách du lịch gia tăng ổn định trong vài năm gần đây, từ 10,9 triệu lượt khách năm 2010 lên 22 triệu lượt khách năm 2015, đạt tăng trưởng hàng năm là 12,4%. Chúng tôi hoan nghênh các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ ba tổ chức ngày 28/7/2015 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, trong đó có việc thông qua Kế hoạch Hành động 2016-2018.
Chúng tôi cũng đánh giá cao các kết quả đã đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong khuôn khổ “Hội nghị Bốn Quốc gia, Một điểm đến về liên kết du lịch và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực Ngân hàng” được tổ chức tại Rangoon, Myanmar từ ngày 30/7-1/8/2016 với mục tiêu thúc đẩy du lịch giữa các nước CLMV, thu hút đầu tư nhằm tăng cường du lịch nội khối và đưa CLMV thành thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều trở ngại đối với tăng trưởng của ngành du lịch và nhất trí thực hiện các hoạt động sau:
i. Triển khai đầy đủ Kế hoạch hành động 2016-2018 về hợp tác du lịch, đặc biệt là các hình thức du lịch bền vững và có trách nhiệm.
ii. Khuyến khích hơn nữa hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nước thành viên.
iii. Tạo điều kiện cho các công ty lữ hành, các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp CLMV tham gia vào các sự kiện, hội chợ du lịch của khu vực.
iv. Thúc đẩy hợp tác công tư, đặc biệt là trong các hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.
v. Tăng cường hợp tác và thúc đẩy hơn nữa liên kết hàng không giữa các nước CLMV.
10.5 Trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực:
Chúng tôi đánh giá cao việc trao đổi học bổng, trao đổi đoàn và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa các nước CLMV.
Chúng tôi nhận thức rằng lực lượng lao động có tay nghề là nền tảng quan trọng của tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập khu vực thành công. Để tận dụng các cơ hội mới mà Cộng đồng ASEAN mang lại, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với các biện pháp như sau:
i. Tiếp tục triển khai Chương trình học bồng CLMV do Chính phủ Việt Nam tài trợ giai đoạn 2016-2020;
ii. Thiết lập cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động, về đào tạo nghề giữa các nước CLMV;
iii. Thúc đẩy các chương trình chung giữa các trường đại học, viện đào tạo ngoại ngữ của các nước CLMV và các chương trình trao đổi giữa lãnh đạo các trường, chuyên gia, giảng viên, quản lý và sinh viên.
iv. Thúc đẩy công nhận lẫn nhau về bằng cấp giữa các nước CLMV thông qua việc thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia tương đương với Khung tham chiếu trình độ ASEAN và Khung tham chiếu trình độ Châu Âu; xây dựng thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các nước CLMV dành cho giáo viên và giảng viên dạy nghề; lựa chọn một số nghề ưu tiên để xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng chung.
10.6 Trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp và năng lượng, chúng tôi ghi nhận khó khăn trong việc triển khai các dự án và sáng kiến hợp tác do hạn chế về nguồn lực. Chúng tôi khuyến khích các Bộ trưởng và Quan chức cao cấp xác định các biện pháp và nguồn lực để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn.
11. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của các quốc gia ASEAN và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV, trong đó có sáng kiến kết nối ASEAN (IAI) và các chương trình hợp tác song phương và đa phương. Chúng tôi hoan nghênh việc các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua Sáng kiến IAI giai đoạn III tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28, trong đó ưu tiên các nước CLMV trong năm lĩnh vực chiến lược là lương thực và nông nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục, y tế và phúc lợi.
Chúng tôi cũng hoan nghênh Ban Thư ký ASEAN đã tiếp tục hỗ trợ huy động nguồn lực để thực hiện các dự án ưu tiên của CLMV. Chúng tôi kêu gọi các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển tăng cường giúp đỡ và ủng hộ các nước CLMV trong đó có việc thực hiện các dự án ưu tiên của CLMV (Phụ lục 1). Chúng tôi đề nghị Ban Thư ký ASEAN và các Quan chức cao cấp phối hợp chặt chẽ để tìm kiếm nguồn tài chính hỗ cho các dự án ưu tiên của CLMV, giám sát và rà soát quá trình thực hiện và kiến nghị các điều chỉnh cần thiết.
12. Chúng tôi công nhận vai trò của quan trọng của khu vực doanh nghiệp trong việc phát triển của các nền kinh tế CLMV và một lần nữa kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của khu vực doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án và hoạt động của CLMV.
13. Chúng tôi hoan nghênh thành công của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong lần thứ nhất do Việt Nam khởi xướng và tổ chức nhằm quảng bá tiềm năng to lớn của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một Tiểu vùng Mekong cạnh tranh, hội nhập và thịnh vượng.
14. Chúng tôi đề nghị các Bộ trưởng và Quan chức Cao cấp thực hiện Tuyên bố chung này và báo cáo định kỳ tiến độ lên Lãnh đạo Nhà nước/Chính phủ các nước.
15. Nhằm bảo đảm hợp tác CLMV có kết quả và hoạt động cụ thể, phát huy các thành tựu trong quá khứ và hướng tới những tiến bộ mới, chúng tôi quyết tâm thực hiện các cải cách CLMV và tăng cường sự phối hợp của CLMV với những khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác. chúng tôi giao các Bộ trưởng và Quan chức cao cấp tiếp tục nghiên cứu phương thức tinh giản cơ cấu tổ chức của CLMV và gia tăng sự gắn kết giữa CLMV và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).
16. Chúng tôi thống nhất Campuchia sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ chín vào năm 2018 cùng với Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ tám tại Vương quốc Thái Lan. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo qua các kênh ngoại giao.
17. Lãnh đạo Nhà nước/Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa Liên bang Myanmar cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu và công tác tổ chức xuất sắc Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 8.
Thông qua tại Hà Nội, Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 26/10/2016./.