Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, chiều 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phí và lệ phí.
Tờ trình của Chính phủ cho thấy dự án Luật đã khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí hiện hành.
Qua 13 năm thực hiện pháp lệnh, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công, cũng như cải cách thủ tục hành chính thì một số khoản phí, lệ phí hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp. Dự thảo Luật phí và lệ phí gồm 6 chương, 22 điều.
Thẩm tra bước đầu dự án Luật, trên cơ sở tán thành về sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí, Ủy ban Tài chính-Ngân sách thống nhất đánh giá: phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nên cần thiết phải nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật để đảm bảo địa vị pháp lý.
Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; một số khoản phí có tên trong Danh mục nhưng chưa phát sinh; một số loại phí, lệ phí cần được bãi bỏ để phù hợp với tình hình mới, giảm thủ tục hành chính và chi phí hành thu...
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong hệ thống luật hiện hành có nhiều quy định liên quan đến phí và lệ phí nhưng chưa được hệ thống hóa, quy định thống nhất trong Pháp lệnh phí và lệ phí.
Do vậy, để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đầy đủ của Luật phí và lệ phí, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến phí và lệ phí với dự án Luật phí và lệ phí.
Một số ý kiến nhấn mạnh dự thảo Luật phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và quản lý ngân sách nhà nước; phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới chính sách phí và lệ phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số ý kiến khác đánh giá một số quy định trong dự thảo còn chung chung, chưa rõ về nội hàm của từng khái niệm, cụ thể như khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ dẫn đến chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí và lệ phí, giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ… Đây là những vấn đề mà ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn để hoàn thiện dự án Luật.
Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai tán thành dự thảo Luật phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do Cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện như Dự thảo Luật.
Các dịch vụ do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện sẽ được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời bỏ các quy định liên quan đến các khoản thu từ phí, lệ phí của các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện trong Dự thảo Luật (khoản 4 Điều 6, khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 10).
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào danh mục phí, lệ phí; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý phí và lệ phí…
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc trình dự thảo Luật phí và lệ phí trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây./.